Nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện thông qua công tác kiểm tra, đánh giá

Nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện thông qua công tác kiểm tra, đánh giá
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh cho biết, trong những năm gần đây, nhờ sự đổi mới về cách kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện mà bộ mặt và chất lượng phục vụ của các bệnh viện trong cả nước có sự thay đổi cơ bản. Đánh giá của Tổ chức sáng kiến Việt Nam với 3.000 bệnh nhân cho thấy sự hài lòng của người bệnh đạt 80%. Tình trạng nhận phong bì trong khám, chữa bệnh giảm từ 17% xuống còn 9%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Theo ông Lương Ngọc Khuê, năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức tập huấn để thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát sự hài lòng người bệnh, nhân viên y tế với mục tiêu các bệnh viện ngày càng có chất lượng phục vụ cao hơn so với Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0. Ngành Y tế ngày càng trong sáng hơn và người thầy thuốc có thể ngẩng cao đầu tự hào với nghề nghiệp.
 
Đối với nội dung Hướng dẫn đánh giá chất lượng bệnh viện, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh cho biết: Việc đánh giá chất lượng bệnh viện cần được thực hiện khách quan, trung thực, đánh giá đúng chất lượng, không để xảy ra tình trạng dễ dãi hoặc tranh cãi giữa đoàn đánh giá và bệnh viện.

Đánh giá chất lượng bệnh viện được thực hiện dựa trên cơ sở một số nguyên tắc, giúp quá trình đánh giá có hiệu quả, phát hiện các vấn đề chất lượng đã hoặc chưa đáp ứng các tiêu chí, cung cấp thông tin để tổ chức có thể thực hiện các hoạt động cải tiến chất lượng.

Thành viên đoàn đánh giá, cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản bao gồm tính toàn diện, tính công bằng, tính thận trọng nghề nghiệp, tính bảo mật thông tin, tính độc lập và đánh giá dựa trên bằng chứng.
 
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, các chuyên gia đánh giá chất lượng phải là người đã được đào tạo, tập huấn về đánh giá chất lượng, có kinh nghiệm công tác cần thiết với kiến thức, kỹ năng yêu cầu thực hiện đánh giá. Các kết luận của cuộc đánh giá có thể nêu ra sự cần thiết đối với những hành động khắc phục, phòng ngừa, cải tiến phù hợp.

Đơn vị được đánh giá cần tiếp tục lên kế hoạch cải tiến chất lượng, khắc phục những hạn chế, triển khai các đề án chất lượng nhằm đáp ứng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0 một cách tốt nhất trong khả năng của đơn vị.
 
Chia sẻ thêm về công tác thực hiện đánh giá chất lượng bệnh viện, ông Dương Huy Lương, Phòng Quản lý chất lượng và Chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý khám - chữa bệnh cho rằng, nhìn lại công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế những lần trước cho thấy một số đội ngũ đánh giá viên chưa chuẩn hóa, thiếu đào tạo, tập huấn. Việc triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện không đồng bộ dẫn đến khó công bố kết quả chất lượng bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về công tác thực hiện tại đơn vị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về công tác thực hiện tại đơn vị. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Ông Dương Huy Lương nhấn mạnh, khảo sát hài lòng người bệnh được chia thành 2 nội dung là khảo sát người bệnh nội trú và người bệnh ngoại trú. Trọng tâm của khảo sát sự hài lòng người bệnh là nhân viên y tế tập trung vào việc tìm hiểu những vấn đề làm người bệnh và nhân viên y tế chưa hài lòng, phát hiện những vấn đề còn tồn tại của bệnh viện, so sánh đối chiếu với kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0; so sánh kết quả tỷ lệ hài lòng do cơ quan quản lý thực hiện với bệnh viện tự thực hiện và công bố tỷ lệ hài lòng có kết quả thấp hơn.
 
Trọng tâm cần lưu ý trong thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện trong năm 2018 là phải hoàn thiện đội ngũ đánh giá viên thông qua việc tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn, đăng ký đầy đủ, phục vụ công tác theo dõi, giám sát việc đánh giá.

Nhằm hạn chế tối đa các sai lệch trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, các đơn vị cần tuân thủ đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện phiên bản 2.0, không che giấu những sai phạm nếu có, không bỏ qua những việc chưa làm được.
 
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đã có chỉ đạo quyết liệt, thống nhất nên có kết quả tương đồng, trong năm 2017 đã sắp xếp chất lượng các bệnh viện theo thứ tự từ 1 đến 104 bệnh viện trên toàn Thành phố, tạo động lực cho các bệnh viện phấn đấu cải thiện chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố có số lượng bệnh viện trực thuộc lớn với 104 bệnh viện công lập và tư nhân. Sở đã thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh với thành viên là các chuyên gia trong ngành.

Các thành viên này cũng được lựa chọn vào các đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện. Khi có kết quả đánh giá, Sở Y tế công bố công khai trên website của Sở, trong đó đưa ra 10 bệnh viện có chất lượng cao nhất và 10 bệnh viện có chất lượng thấp nhất để các bệnh viện học hỏi, chia sẻ cách làm với nhau, cùng nhau phấn đấu nâng cao chất lượng phục vụ./.
 Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm