Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
Buổi tọa đàm có sự tham gia của hơn 20 tham luận, đến từ các đơn vị xuất bản, thư viện và giáo dục với nhiều nội dung khác nhau, từ lý luận tới thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đọc sách tại các cấp trường, hoạt động thư viện, hoạt động đọc sách tại nhà… Hầu hết các ý kiến tham luận đều khẳng định việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé là mấu chốt của vấn đề phát triển văn hoá đọc hiện nay, nếu không tìm cách để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé, thì sau này rất khó để tạo lập. 
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Hương
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Hương 
Nhiều tham luận đã đề cập đến hoạt động của thư viện, nơi được mệnh danh là trái tim của trường học, nơi góp phần hình thành thói quen đọc sách của học sinh, chỉ ra những khó khăn như sự quan tâm hạn chế của các cấp lãnh đạo, cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn sách bổ sung còn thiếu thốn...

Bên cạnh hoạt động thư viện, tham luận của các trường cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức tốt tiết đọc sách thường xuyên cho các em từ mẫu giáo, học sinh tiểu học, đến cấp 2,3. Chính các tiết đọc sách này sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hình thành thói quen đọc sách hữu ích cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

 
Ngoài ra, các chủ đề khác như sách như thế nào để phù hợp với trẻ, để trẻ thích đọc, hình thành một danh mục sách khuyến đọc phù hợp cho từng độ tuổi, từng lớp học; đề xuất phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ hay tâm sự của một bà mẹ với niềm vui khi giúp cho con hình thành và duy trì được thói quen đọc sách trong gia đình; những hoạt động thiện nguyện mang sách hay về cho học sinh tiểu học ở những vùng khó khăn xa xôi... cũng là những nội dung thú vị được chia sẻ trong buổi tọa đàm này.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Thu Hương
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Thu Hương
Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, nhưng trong số đó đã có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho học tập của khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước. Như vậy, chỉ còn chừng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân thì khoảng 1 đầu sách/người/năm.  Thực trạng văn hoá đọc của người Việt Nam hiện nay quá thấp. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là chúng ta chưa có thói quen đọc sách, thói quen được tạo dựng từ khi còn bé, như chia sẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tình yêu với sách và khuyến khích việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ từ sớm. Ảnh: Thu Hương
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tình yêu với sách và khuyến khích việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ từ sớm. Ảnh: Thu Hương

Buổi tọa đàm không chỉ là một hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam 21/4 mà theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó Ban tổ chức chương trình, với chủ đề “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”, các đại biểu còn mong muốn mang lại nhận thức đúng cho toàn xã hội từ các bậc phụ huynh, cho đến các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hoá, giáo dục... về tầm quan trọng của sự phát triển văn hoá đọc. Từ đó, có những chuyển biến thật sự với những nỗ lực cụ thể bằng những giải pháp thiết thực, cùng nhau giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hoá đọc cho cộng đồng trong tương lai. 
Thu Hương (DT&MN/TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm