Kết nối giới khởi nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước

Kết nối giới khởi nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước
Tham dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương và khoảng 400 đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức hỗ trợ đổi mới khởi nghiệp, sinh viên các trường đại học…
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
 
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các chuyên gia tham dự diễn đàn sẽ giúp thành phố phát triển mạnh hơn, đồng thời khắc phục những điểm yếu còn tồn tại. Một trong những điểm yếu của thành phố cũng như cả nước là sự kết nối giới khoa học và doanh nghiệp còn hạn chế.

Để khắc phục điểm yếu trên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố phải đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ, sản phẩm của khoa học đến với doanh nghiệp; làm cho doanh nghiệp có thói quen đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu, làm giới khoa học đào tạo và giới doanh nghiệp  tìm đến và kết nối với nhau.

Ngoài ra, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp mới, cần có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Để kết hợp hai lĩnh vực trong cùng tổ chức, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
 
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, qua chuyến thăm Hoa Kỳ và Israel của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, thành phố nhận thấy việc kết nối trong nước và ngoài nước rất quan trọng.

Việc này sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm, kết nối để phát triển doanh nghiệp từ giai đoạn nghiên cứu thị trường, định hướng công nghệ, tập hợp đội ngũ; hoàn thiện sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh đến giai đoạn sản xuất quy mô lớn hơn, thị trường thật và tiến tới thương mại hóa sản phẩm. Thành phố muốn phát triển nhanh hơn thì phải dựa vào con người, dựa vào kinh nghiệm của chính người Việt ở quốc tế.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
 
Diễn đàn “Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước” là sự kiện tiếp nối của “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại San Francisco (Hoa Kỳ) tháng 12/2017.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nền tảng quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thông qua nhiều chính sách cho lĩnh vực này. Diễn đàn năm nay tự hào có 8 diễn giả là người gốc Việt đã mang trí tuệ và khối óc của mình để đóng góp cho quê hương, đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta nắm bắt xu thế của startup trên thế giới, qua đó định hướng khởi nghiệp bắt đầu từ đâu.
 
Diễn đàn “Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước” được tổ chức nhằm giúp các startup Việt trong và ngoài nước, nhà đầu tư, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; kết nối các startup của người Việt ở trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư.

Đây cũng là cơ hội để các startup của người Việt trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.
Quang cảnh Diễn đàn “Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước”. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Quang cảnh Diễn đàn “Kết nối Startups Việt trong và ngoài nước”. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
 
Trong phiên toàn thể, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Israel trình bày các vấn đề liên quan đến startup, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp; đưa ra định hướng về xu hướng công nghệ chủ đạo hiện tại và tương lai, những mô hình khởi nghiệp phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam.
 
Chia sẻ kinh nghiệm từ Israel, ông Shlomo Nimrodi (Giám đốc Điều hành Trung tâm gắn kết kinh doanh Ramot thuộc Đại học Tel Aviv) cho biết, Đại học Tel Aviv đã hình thành hệ sinh thái với các tổ chức tài chính, các công ty đa quốc gia, các trung tâm đổi mới; đồng thời sáng lập và quản lý nhiều quỹ khác nhau để hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của mình.

Các quỹ đầu tư thường tập trung vào những công nghệ tiềm năng có tính đột phá của Đại học Tel Aviv trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ramot hiện có nhiều hình thức hợp tác khả thi như tài trợ nghiên cứu, đồng nghiên cứu về một công nghệ cụ thể, hợp tác trên diện rộng để đồng bộ hóa một số công nghệ hàng đầu phù hợp với năng lực của doanh nghiệp.
 
Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 26 – 27/6. Các chuyên gia, giới khởi nghiệp sẽ tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các chuyên đề như: Giai đoạn đầu của khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp; đưa startup Việt ra với thế giới. Các startup Việt Nam cũng trình bày ý tưởng khởi nghiệp, sau đó các chuyên gia sẽ trực tiếp góp ý, tư vấn về định hướng phát triển, gọi vốn đầu tư./.
 Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm