Hiểm họa cháy nổ từ các chung cư thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy

Hiểm họa cháy nổ từ các chung cư thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy
Một số người dân sinh sống tại chung cư Carina Plaza cho biết, đã nhiều lần phản ánh tình trạng mất an toàn về phòng cháy chữa cháy tại chung cư nhưng chưa được xử lý. Khi sự cố cháy xảy ra sáng 23/3, hệ thống điện dự phòng không sáng, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động không hoạt động… Vấn đề mất an toàn phòng cháy chữa cháy tại nhiều chung cư không phải vấn đề mới, bởi nhiều chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở. 
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành kiểm tra hiện trường vụ cháy chung cư Carina, quận 8. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành kiểm tra hiện trường vụ cháy chung cư Carina, quận 8. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Theo thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh công bố giữa năm 2017, trên địa bàn thành phố có 12 chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư đã đưa dân vào ở.

Đáng lưu ý, tại một số chung cư, vi phạm này kéo dài nhiều năm, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn không khắc phục. Nguy cơ cháy nổ từ các công trình này rất lớn. 

Gần đây, sáng 12/1/2018, kho hàng dụng cụ thể dục thể thao tại chung cư Rubyland (quận Tân Phú) bất ngờ bốc cháy khiến người dân tại chung cư hoảng loạn. Đáng chú ý, thời điểm này, đại diện Ban quản trị chung cư Rubyland cho biết, kho hàng này và hai hạng mục khác đang cho thuê của chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 

Trước đó, vào tháng 4/2017, dự án chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân) chưa được thẩm duyệt các phương án đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng đã có dân vào ở. Bên trong chung cư còn nhiều thiếu sót và sai phạm như chưa tổ chức thi công các hạng mục giao thông phục vụ chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn và các giải pháp phòng cháy chữa cháy; chưa lắp đặt hệ thống tăng áp buồng thang, hệ thống thông gió, hút khói tầng hầm...

Tương tự, trong năm 2017,  tại dự án chung cư I-Home (quận Gò Vấp), chung cư Tecco Green Nest (quận 12)… cư dân cũng đã vào ở khi nhiều hạng mục chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy… 

Những trường hợp về nguy cơ tiềm ẩn từ các hạng mục chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng không phải hiếm. Trong năm 2017, dự án chung cư Ngọc Phương Nam (Quận 8) chưa hoàn thiện, nghiệm thu phòng chống chữa cháy nhưng vẫn cho người dân vào ở. Điều này khiến Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phải gửi thư kêu gọi 28 cư dân đang sinh sống trong chung cư cao cấp này di chuyển tạm thời ra ngoài sinh sống để bảo đảm an toàn tính mạng. 

Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 935 nhà chung cư với 1.249 toà nhà quy mô 141.062 căn hộ có tổng diện tích xây dựng hơn 10,6 triệu m2. Tỷ lệ nhà chung cư hiện chiếm tới 24,6% trong tổng số nhà xây mới. Các địa bàn tập trung nhiều chung cư nhất gồm quận 1, 5, 10, Bình Thạnh, gần đây được xây mới ở quận 2, 7, Thủ Đức và ngoại thành huyện Bình Chánh, Nhà Bè. 

Về số lượng, chung cư được phân thành 3 loại gồm trước 1975 có 474 chung cư, trong đó có 14 chung cư cấp D là cấp hư hỏng nặng, mức độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp; chung cư từ sau năm 1975 đến năm 2005 có 244 chung cư, đang xuống cấp, chất lượng giảm, đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa và chung cư được xây sau năm 2005 đến nay có 217 chung cư. 

Tại phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2017, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, quỹ nhà ở chung cư ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, đa dạng về sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Tuy nhiên, nhiều chung cư chưa đảm bảo điện nước, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, sinh hoạt cộng đồng. Trong khi đó, đại biểu Trương Lâm Danh nêu rõ thực trạng, một vấn đề “nóng” của nhà chung cư đó là khi chưa đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy đã đưa cư dân vào sinh sống. Thậm chí có nhiều nhà chung cư nằm trong hẻm, nhếch nhác, mất an ninh trật tự. 

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Trần Trọng Tuấn cho biết, hiện nay, nhà chung cư cũ đa số là chung cư thấp tầng, số lượng căn hộ ít, không có thang máy, không thành lập ban quản trị, chỉ hoạt động theo mô hình tự quản, nên không có đơn vị vận hành. Từ đó, không có kinh phí quản lý vận hành các trang thiết bị trong nhà chung cư, không có kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, không đảm bảo về an ninh trật tự, không đảm bảo về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… 

Theo Thượng tá Trần Văn Thạnh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh), không riêng gì ở Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế rất nhiều nơi, các công trình chưa nghiệm thu khi xảy ra sự cố người dân rất hoảng loạn không biết lối thoát ra ngoài. Một gia đình sống tầng trệt, giờ lên sống ở các tầng cao 15 đến 23 tầng thì ý thức phải khác. Không thể lên đun than, rồi nói vẫn có trực canh gác được. Nếu xảy ra cháy thì hậu quả không thể lường hết. 

Chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ cháy chung cư Carina Plaza sáng 23/3, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vụ cháy xuất phát từ hầm, tầng căn hộ không cháy nhưng hậu quả rất nặng nề. Vì thế cần điều tra, từ đó rút ra bài học về phòng cháy ở công trình có hầm. Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy sau vụ việc này phải báo cáo về thực trạng phòng cháy, chữa cháy tại công trình chung cư; rà soát lại quy trình phòng cháy, chữa cháy ở chung cư, tăng cường diễn tập, tuyên truyền hướng dẫn người dân thoát nạn. 

Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1 cũng cho biết, ngay trong sáng 23/3, UBND Quận 1 đã yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra vấn đề an toàn, phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, đặc biệt là các chung cư. Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành phòng cháy chữa cháy./. 
Tiến Lực - Thành Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm