Gần 4.700 kỹ thuật y tế được chuyển giao cho tuyến dưới

Gần 4.700 kỹ thuật y tế được chuyển giao cho tuyến dưới
Thông tin trên được Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án 1816 và Đề án bệnh viện vệ tinh năm 2018 diễn ra ngày 31/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các đại biểu đến từ 22 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trước thực trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên và năng lực chưa đáp ứng nhu cầu của tuyến y tế cơ sở, từ năm 2010, thực hiện Quyết định 4026/QĐ-BYT, các bệnh viện tuyến trên đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới với nhiều hoạt động thiết thực như: Chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới; quản lý thông tin chuyển tuyến; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo các Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh; kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới...

Đến nay, đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao gần 4.700 kỹ thuật; hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Bên cạnh đó, đã trực tiếp khám chữa bệnh cho gần 5 triệu người bệnh và thực hiện gần 2.000 ca phẫu thuật, cứu sống hàng ngàn người mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên nguy cơ tử vong cao.
 
Đặc biệt, kể từ khi triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, đã có 14 bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật khó như can thiệp tim hở, can thiệp mạch vành… cho các bệnh viện tuyến tỉnh, giúp người dân yên tâm hơn khi khám chữa bệnh tại địa phương. Đây cũng là hoạt động giúp giảm đáng kể luồng bệnh nhân đổ về tuyến cuối, giảm quá tải bệnh viện một số chuyên khoa như: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi...
 
Là địa phương thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh cho 28 bệnh viện thuộc 22 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có 8 bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân, chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới gồm: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Ung bướu với 5 chuyên khoa là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Đặc biệt, trong đó có một bệnh viện tuyến quận, huyện là Bệnh viện quận Thủ Đức trở thành bệnh viện hạt nhân, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Đến nay, các bệnh viện hạt nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ đào tạo cho 1.450 lượt cán bộ y tế, chuyển giao 785 kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh; giúp giảm khoảng 10% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân mỗi năm.
 
Bộ Y tế cho biết, thời gian tới sẽ khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện và đảm bảo duy trì tính bền vững của công tác chỉ đạo tuyến.

Mục tiêu là tiếp tục đưa hoạt động chỉ đạo tuyến từ các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện lớn về hỗ trợ các địa phương theo hướng nâng cao chiều sâu, tăng hiệu quả hoạt động./.
Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm