Doanh nhân, trí thức kiều bào hiến kế xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh

Doanh nhân, trí thức kiều bào hiến kế xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh
Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo UBND, các sở ngành thành phố và 44 kiều bào là doanh nhân, trí thức đang sinh sống làm việc ở nhiều quốc gia.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN
 
Trao đổi với các kiều bào, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang hoàn thiện kế hoạch xây dựng và phát triển khu đô thị sáng tạo nhằm kết nối 3 quận của thành phố là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi nhằm đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương. Đây cũng là đòn bẩy thúc đẩy thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế toàn diện, vượt bậc cho Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới.
 
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và trung tâm tài chính khu vực, chỉ mình nguồn lực của thành phố là không thể mà cần sự góp sức, góp của từ cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô, Cố vấn Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đô thị thông minh đồng nghĩa với việc vận dụng công nghệ thông tin, chủ yếu là công nghệ số trong hoạt động/ sinh hoạt của người dân nhưng tựu trung, sự phát triển của thành phố thông minh vẫn là sự cải thiện những chức năng truyền thống như cơ sở hạ tầng, gồm giao thông, môi trường sống, nguồn nước, năng lượng, y tế, giáo dục… Vì vậy, khi xây dựng đô thị thông minh, cần rà soát xem những gì đã có trong đô thị cổ điển để cải thiện cuộc sống của cư dân về giao thông, về ô nhiễm môi trường và hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cung cấp điện…
 
Theo Giáo sư Đặng Lương Mô, xây dựng đô thị thông minh là một đề án lớn cần đến trí lực của đông đảo chuyên gia thuộc nhiều ngành nghề, nhiều chuyên môn khác nhau và đòi hỏi tính chuyên nghiệp chứ không phải chỉ theo phong trào. Muốn làm được điều đó, cần sự đột phá trong phong cách quản lý các dự án, chương trình thành phần thuộc đề án xây dựng đô thị thông minh. Cụ thể, thành phố cần mạnh dạn sử dụng các “tổng công trình sư” những “chỉ huy giàn nhạc giao hưởng” nhằm hướng đến sự thành công chung.
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận về đô thị sáng tạo. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn trình bày tham luận về đô thị sáng tạo. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN
 
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, phân tích, đề án xây dựng đô thị thông minh của Thành phố  Hồ Chí Minh không nên quy hoạch dựa trên ranh giới hành chính mà cần được củng cố theo 3 chân vạc là khu đô thị trung tâm kinh tế tài chính Thủ Thiêm, khu đô thị đại học – công nghệ cao và khu đô thị logistics Cát Lái. Trong đó, trung tâm kinh tế tài chính Thủ Thiêm có vai trò kết nối hợp tác toàn cầu, thu hút và cung cấp nguồn lực tài chính cho toàn thành phố, khu đô thị đại học – công nghệ cao đóng vai trò phát triển nguồn lực tri thức, công nghệ còn khu logistics phụ trách việc điều phối hoạt động xuất nhập khẩu. Phát triển 3 trụ cột như trên sẽ giúp phát triển cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho đô thị thông minh.
 
Theo Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, để thu hút các nguồn lực phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh cần dựa trên các định hướng chiến lược quan trọng là kiến tạo động lực phát triển từ văn hóa kinh tế cộng đồng, xây dựng đô thị đáng sống để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ưu tiên phát triển bền vững để bảo vệ môi trường sống tốt và tăng cao hiệu quả kinh tế trong các dự án đầu tư để thúc đẩy hợp tác công tư.
 
Xoay quanh vấn đề nguồn lực để xây dựng đô thị thông minh, ông Danny Võ Thành Đăng đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng được thương hiệu sáng tạo của điểm đến bao gồm hình ảnh, chiến lược và câu chuyện phát triển nhằm thu hút nhà đầu tư. Với những đặc trưng của con người, Thành phố Hồ Chí Minh có thể xây dựng thương hiệu của mình dựa trên các yếu tố thân thiện, tử tế và tích cực.
 
Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, kế hoạch xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực đã được đề cập từ  hơn 15 năm trước, nhưng tới hiện tại, tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy. Nguyên nhân chính là ở thể chế và cơ chế thực hiện.
Ông Võ Thành Đăng, Việt kiều Singapore đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN
Ông Võ Thành Đăng, Việt kiều Singapore đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN
 
Theo ông Peter Hồng, dòng tiền đầu tư đang chảy trên toàn cầu ước đạt 55 tỷ USD; trong đó có tới 37 -38 tỷ USD chảy vào Dubai, Myanmar cũng thu hút được khoảng 10 tỷ USD. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm lượng kiều hối gửi về đã đạt 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, số tiền này chưa được sử dụng một cách hiệu quả, bởi cơ chế đưa ngoại tệ vào đầu tư còn quá khó khăn.
 
Kiều bào hiện nay có đủ tri thức, trình độ và cả nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thành phố phải tạo được cơ chế, chính sách rõ ràng. Nước chảy về chỗ trũng và việc của Thành phố Hồ Chí Minh là phải biến mình thành “chỗ trũng” từ việc xây dựng thể chế phù hợp,” ông Peter Hồng nhấn mạnh.
 
Đánh giá cao những đóng góp, đề xuất của các doanh nhân, tri thức kiều bào, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, kiều hối, vốn đầu tư, công nghệ cũng như những ý tưởng và các kênh kết nối của kiều bào luôn đã, đang và sẽ là nguồn lực quan trọng, góp phần mang lại sự tăng trưởng và hội nhập cho thành phố.
 
Theo ông Nguyễn Thành Phong, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính của khu vực không chỉ là một tham vọng, mà còn là kế hoạch cần triển khai của thành phố nhằm xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng như việc thực thi các công cụ tài chính khác của các cơ quan nhà nước. Một trung tâm tài chính có sức hấp dẫn cao không chỉ mang lại sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy kế hoạch xây dựng đô thị sáng tạo, mà còn là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN
  
Để tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng các kế hoạch phát triển bài bản hơn thông qua việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đồng thời tập trung hoàn thiện quy hoạch hạ tầng, đất đai, mạng lưới giao thông phục vụ tốt nhất nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện để kiều bào phát huy năng lực, vật lực, đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung./.
 Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm