Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung gỗ cao su nguyên liệu

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn cung gỗ cao su nguyên liệu
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp gỗ cao su và doanh nghiệp chế biến gỗ cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để nâng cao giá trị cạnh tranh cho ngành cũng như tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thu hoạch mủ cao su tại Bình Phước. Nguồn: sggp.org.vn
Thu hoạch mủ cao su tại Bình Phước. Nguồn: sggp.org.vn
 
Theo các tổ chức, hiệp hội gỗ, lâm sản, trong vài năm gần đây, gỗ cao su đã trở thành một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu vô cùng quan trọng đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam, đặc biệt là vai trò trong xuất khẩu.
 
Hàng năm, lượng cung gỗ từ nguồn này bình quân lên tới 4,5-5 triệu m3 quy tròn, với trên 90% được khai thác từ các vườn cao su thanh lý đại điền. Gần 70% lượng cung này được đưa vào chuỗi cung xuất khẩu, phần còn lại đưa vào chế biến các mặt hàng phục vụ tiêu dùng nội địa.
 
Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng được làm từ gỗ cao su, bao gồm cả các mặt hàng 100% là gỗ cao su và các mặt hàng có sử dụng một phần gỗ cao su, khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng gần 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Xuất khẩu các mặt hàng sử dụng gỗ cao su ngày càng tăng, thể hiện qua con số tăng trưởng liên tục về kim ngạch, đạt 1,3 tỷ USD năm 2015, đến năm 2016 là 1,5 tỷ USD.
 
Mặc dù nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu cao su rất lớn, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ nằm ngoài ngành cao su rất khó tiếp cận nguồn cung gỗ, nhất là phải cạnh tranh với tư thương Trung Quốc sang tận nơi để thu mua. Trong năm 2017, nhiều thời điểm giá gỗ cao su đã tăng lên mức cao trên 40% nhưng doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vẫn không có nguyên liệu để mua.
 
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia Forest Trends, tình trạng cạnh tranh mua bán gỗ cao su nguyên liệu có thể sẽ tiếp diễn ra trong thời gian tới. Tại một số nơi, hệ thống thương lái phát triển, thực hiện việc thu gom gỗ từ tiểu điền, sau đó bán lại cho các tư thương Trung Quốc. Tư thương Trung Quốc đã mua gỗ cao su nguyên liệu với số lượng trên dưới 200.000 m3/năm.
 
 Điều này đã cho thấy một số tồn tại của cả ngành cao su và ngành gỗ của Việt Nam hiện nay. Các doanh nghiệp của Việt Nam thua trên sân nhà ít nhất trên 2 phương diện, kém trong việc tổ chức hệ thống thu mua và không thể cạnh tranh về giá.
 
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Mifaco cho biết, hiện nay ngành chế biến gỗ xuất khẩu chỉ có 2 loại gỗ nguyên liệu có nguồn gốc trong nước là gỗ tràm và gỗ cao su. Trong thời gian gần đây, gỗ cao su có vai trò rất quan trọng trong chế biến và xuất khẩu gỗ nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến đều muốn ổn định nguồn nguyên liệu này. Tuy nhiên, việc thiếu liên kết chuỗi về nguyên liệu gỗ cao đang gây thất thoát không chỉ tiền bạc mà cơ hội phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam.
 
Thời gian vừa qua, ngành gỗ Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ đưa ra những biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu, thông qua công cụ thuế.
 
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, công cụ này có thể hạn chế được xuất khẩu nguyên liệu thô. Tuy nhiên, công cụ thuế này có thể chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến; các hộ tiểu điền có thể là nhóm phải chịu thiệt thòi, do mức giá nguyên liệu giảm.

Các chính sách can thiệp thị trường thông qua các công cụ thuế chưa chắc đã phải là giải pháp tốt. Chính sách, cơ chế cần đi theo hướng khuyến khích phát triển, thay vì hành chính mệnh lệnh.
 
Tại hội thảo, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng thống nhất ý kiến cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu gỗ cao su với doanh nghiệp chế biến gỗ để tận dụng tối đa lợi thế sân nhà trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng./.
 H.Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm