Để người dân không còn thờ ơ trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết

Để người dân không còn thờ ơ trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết
Người dân thờ ơ 
Tại buổi kiểm tra thực địa ngày 19/7 tại địa bàn quận Bình Tân, một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết của Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu cho thấy, nhiều người dân vẫn còn rất thờ ơ với công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.  

Tại khu nhà trọ thuộc Khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân hiện đang có một ổ dịch khiến 11 người mắc bệnh và nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết. Kiểm tra xung quanh khu vực phát sinh ổ dịch, đoàn kiểm tra phát hiện có nhiều nơi ngập nước, nhiều vật chứa có lăng quăng. Do đây là địa bàn giáp ranh với huyện Bình Chánh nên ổ dịch này rất có thể lan rộng sang địa bàn huyện Bình Chánh. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt Đới Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa cao. Người dân thường ít để ý đến những vật dụng bình thường có thể chứa đọng nước là những nơi dễ dàng phát sinh ổ lăng quăng như thùng bia uống hết, lọ hoa trên bàn thờ, vỏ lốp xe cũ…  

Mặc dù gia đình bà Phạm Thị Bé Tư (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) có 3 người cùng mắc bệnh sốt xuất huyết, nhưng khi kiểm tra tại khu vực bàn thờ ngoài trời, đoàn công tác phát hiện trong lư hương, bình hoa có chứa nước mưa có lăng quăng. Khi được hỏi, bà Bé Tư không hề biết những vật chứa này có thể phát sinh lăng quăng.  

Ông Đỗ ĐìnhThiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân thừa nhận, đa phần người dân trên địa bàn quận vẫn còn có lối sống “nửa thành thị nửa nông thôn” nên ý thức phòng chống dịch, vệ sinh môi trường khá kém. Mặc dù, trong thời gian qua địa phương đã thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn chưa đi sâu vào nhận thức của người dân. 

Là địa phương luôn có số ca sốt xuất huyết ở mức cao, lãnh đạo UBND quận 8 thừa nhận, khó khăn của công tác phòng chống dịch là do người dân vẫn chủ yếu tập trung vào kế sinh nhai mà không có ý thức phòng chống dịch bệnh. Không có sự phối hợp của người dân, công tác phòng chống dịch của địa phương gần như rơi vào bế tắc.  
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Tại quận 12, dù thời gian ban đầu, chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuống địa bàn trực tiếp dọn dẹp vệ sinh môi trường thay cho người dân nhưng sau khi hướng dẫn và bàn giao lại để người dân tự giác thực hiện thì người dân lại bỏ bê. Trong khi đó, trên địa bàn quận 12, một số cơ sở kinh doanh phế liệu, vỏ xe, thường xuyên được nhắc nhở, thậm chí xử phạt nhưng vẫn chưa chuyển biến. 

Địa phương gặp khó 
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố hiện có 16.787 điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết. Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cảnh báo số lượng điểm nguy cơ này sẽ tiếp tục phát sinh nếu các địa phương không có giải pháp hữu hiệu. 

Tuy nhiên, các địa phương cho rằng, việc kiểm soát các điểm nguy cơ hiện gặp nhiều khó khăn trong khi lực lượng chuyên trách phòng chống dịch quá mỏng. Theo ông Đỗ Đình Thiện, mặc dù quận Bình Tân đã dốc toàn lực kiểm soát các điểm nguy cơ nhưng trên địa bàn quận có quá nhiều loại hình điểm nguy cơ như:  Các trường học, chung cư, quán cà phê sân vườn, kinh doanh cây cảnh, nhà thờ, đền chùa, vựa phế thải…

Trong đó, hiện có 4 loại hình nguy cơ, địa phương gần như không thể kiểm soát nổi là các điểm bán cây cảnh, nhà trọ, các vựa kinh doanh buôn phế thải, khu đất trống bỏ hoang. Bên cạnh đó, thói quen dùng lu chứa nước của người dân cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nên sốt xuất huyết. 

Trong khi đó, vấn đề của quận Tân Phú lại là các công trình xây dựng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú cho biết, chỉ riêng tại phường Tân Sơn Nhì hiện có hơn 40 công trình đang xây dựng với hơn 200 công nhân ca liên tục. Trong 2 tuần qua, tại các công trình này đã xuất hiện 30 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Mặc dù địa phương đã tiến hành xử phạt, tuy nhiên việc xử phạt vẫn chưa đủ mạnh để chuyển biến nhận thức của người dân. 

Còn ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Y tế huyện Hoóc Môn lại cho biết, trên địa bàn huyện Hoóc Môn có gần 1.500 điểm có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh sốt xuất huyết. Do các điểm nguy cơ quá nhiều trong khi lực lượng phòng chống dịch quá ít, nên dù các xã đã thực hiện diệt lăng quăng theo kiểu cuốn chiếu, nhưng sau khi xử lý một vòng quay trở lại thì các điểm này đã lại phát sinh lăng quăng. Bên cạnh đó, nhiều điểm nguy cơ mới lại tiếp tục xuất hiện khiến địa phương gần như “bất lực”. 

Trước những khó khăn của các quận, huyện, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế cho rằng, để giải quyết được tình trạng này rất cần sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị của các địa phương. Xử lý điểm nguy cơ, diệt lăng quăng vẫn là biện pháp hữu hiệu, tối thiểu các địa phương cần phải tổng vệ sinh, loại bỏ điểm nguy cơ ít nhất 2 tuần 1 lần thì mới hạn chế được sự gia tăng của sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh.   

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, truyền thông để thay đổi hành vi của người dân là điều quan trọng nhất hiện nay. Chỉ cần mỗi người dân có ý thức đổ bỏ nước đọng trong các vật dụng gia đình, dọn vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở là cách phòng chống dịch vô cùng hiệu quả và dễ dàng./. 
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm