Chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1

Chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1
Bài 1: Đến hẹn lại … ngập
Cứ trời mưa, triều cường lên cao là người dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là những người sống trong “vùng” thấp trũng, các tuyến đường ven sông, kênh rạch lại phải vật lộn với nước ngập. Mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh luôn phải căng mình chống ngập qua việc triển khai hàng loạt công trình bờ bao, cống ngăn triều, nâng cấp cống thoát nước, nâng đường… nhưng tình trạng ngập vẫn gia tăng sau mỗi cơn mưa.
Dự án chống ngập cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí MInh. Ảnh: Hoàng Hải –TTXVN
Dự án chống ngập cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí MInh. Ảnh: Hoàng Hải –TTXVN

Vật lộn với ngập nước
Trong những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh hứng chịu nhiều cơn mưa lớn và đợt triều cường lên cao vượt mức báo động III (1,5m). Nhiều khu vực thấp trũng, tuyến đường trên địa bàn thành phố chìm trong biển nước.
 
Điển hình, vào ngày 24/9, mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài trong 4 giờ đồng hồ đã gây ngập nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Quang Trung, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Cây Trâm (quận Gò Vấp), đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)… Hệ thống cống không kịp thoát nước, các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này bị ùn ứ hoặc di chuyển rất chậm.

Nghiêm trọng hơn, nhiều đoạn trũng thấp trên tuyến đường này đã bị ngập sâu, có nơi ngập gần 50cm, nhất là đoạn dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và đoạn giao nhau với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến nhiều phương tiện chết máy.
 
Trước đó, các cơn mưa lớn đầu mùa mưa từ đầu năm 2018 đến nay cũng đã gây ngập hàng chục tuyến đường với mức ngập từ 20 - 50 cm như: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng; Lê Đức Thọ, Cây Trâm (quận Gò Vấp); Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức); Lê Văn Việt (quận 9)...
 
Ngoài ra, mỗi khi mưa lớn nhiều tuyến đường bị ngập nước khiến giao thông bị hỗn loạn, nhiều nhà dân ở khu vực trũng thấp phải sống chung với tình trạng nhà bị ngập nước. Điển hình nhất là các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Quốc Hương (quận 2), Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt (quận 9), Nguyễn Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp)… thường xuyên bị ngập mỗi khi xảy ra mưa lớn.
 
Nỗi lo ngập do mưa chưa hết, vấn đề ngập do triều cường lên cao lại xuất hiện. Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ, đợt triều cường đầu tháng 10, mực nước đạt đỉnh đo tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) lên mức 1,65m. Nước lên cao đã gây ngập hàng loạt tuyến đường ở khu vực quận 5, 7, 8, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh…
 
Ngoài một số địa bàn trũng thấp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường như khu vực quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Lương Định Của, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương... thì hiện nay triều cường dâng cao có thể gây ngập nhiều tuyến đường thuộc các quận trung tâm vốn là khu vực ở vị trí cao, được trang bị đầy đủ hệ thống thoát nước.
 
Hiện thành phố đang đối mặt với triều cường với diễn biến ngày càng phức tạp.Việc này không chỉ làm đảo lộn đời sống người dân mà còn gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, phường Tân Thuận, quận 7 bức xúc, mỗi khi có triều cường dâng cao là nhiều tuyến đường và khu vực trũng thấp bị ngập sâu trong nước khiến xe cộ chết máy, nước ngập tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều tài sản. Khổ sở hơn là nhiều tuyến hẻm đâm ra con đường này thường xuyên ngập sâu trong nước; trong đó có những con hẻm còn chịu nguồn nước đen đặc bởi nhiều ngày không rút.
 
Theo người dân ở các khu vực bị ngập nước, khi nước dâng làm ngập thì rác, nước thải ở hệ thống cống bắt đầu trôi lềnh bềnh trên mặt đường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh khu vực. Thực tế này cho thấy, các giải pháp chống ngập hiện nay vẫn chưa đúng hướng, chưa đầy đủ. Chỉ mới vài cơn mưa đầu mùa với lượng mưa đo được từ 16 - 61,3 mm tùy khu vực nhưng đã khiến nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng.
 
Hạ tầng xuống cấp
Lý giải về các nguyên nhân gây ngập do mưa và triều cường vừa qua, theo Trung tâm Chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, mặt đường trũng cục bộ, hệ thống cống hiện hữu có tiết diện nhỏ (D400 - D600), mưa lớn trong thời gian ngắn, lượng nước tại các hẻm đổ về rất nhiều, trong khi nước rút chậm nên gây ngập. Mặt khác, nhiều hệ thống thoát nước do đầu tư đã lâu, bị hư hỏng, xuống cấp cục bộ không đảm bảo thoát nước mỗi khi mưa lớn. Ngoài ra, do một số tuyến đường là trục thoát nước chính cho hạ lưu hiện không đảm bảo thoát nước cho khu vực nên gây ngập.
 
Đại diện Trung tâm chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, toàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 70.000 miệng cống thu nước mưa mặt đường. Tuy nhiên, hiện miệng cống thu nước tại nhiều khu vực  không còn phù hợp với hệ số chảy tràn, do thực tế địa hình đã bị bê tông hoá.

Đối với triều cường, nhiều tuyến đường khi đỉnh triều lớn hơn 1,4m, nước tràn bờ bao và các tuyến rạch xâm nhập lên mặt đường gây ngập.Ngoài ra, cao độ mặt đường hiện hữu thấp hơn đỉnh triều, khi mưa lớn tập trung cùng lúc đỉnh triều lên cao đã gây ngập mặt đường.
 
Theo UBND Thành phố. Hồ Chí Minh, nguyên nhân cũng gây ngập  là do việc xử lý các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước  còn chậm, làm tăng áp lực thoát nước lên hệ thống thoát nước thành phố vốn chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước của thành phố, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
 
Tính  đến tháng 9, trên địa bàn thành phố còn 23 vị trí ảnh hưởng do thi công dự án; còn 67 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm, 84 vị trí tuyến cống bị lấn chiếm; 76 vị trí bị lấn chiếm hầm ga; còn 50 vị trí bị lấn chiếm cửa xả.
 
Về việc giải quyết các điểm ngập do triều, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT), sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập 4/9 tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn.

Cuối năm 2017, thành phố đã khởi công dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm), sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập 1/9 tuyến đường (đường Nguyễn Văn Hưởng).
 
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian chưa hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm, thành phố đã tập trung đầu mối về tổ chức, bộ máy để tăng cường quản lý, duy tu hạ tầng thoát nước đô thị có trọng tâm trọng điểm, kịp thời thực hiện các công trình cấp bách trong việc kết nối, mở hướng thoát nước, tăng khả năng thu nước cục bộ…, tiếp tục vận hành 1.077 van ngăn triều, 26 trạm bơm với 56 máy bơm cố định và di động (công suất từ 168m3/giờ đến 84.000 m3/giờ, tổng công suất 302.880 m3/giờ) cùng với việc vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè).
 
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm hạn chế tình trạng ngập nước và phát sinh điểm ngập mới, hiện trung tâm đang vận hành 3 trạm bơm nước thải có khả năng hỗ trợ thoát nước trong thời điểm mưa.
 
Cụ thể, tại trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh thu nước từ mạng cống thoát nước từ thượng lưu (Út Tịch, Lê Bình quận Tân Bình) dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến hạ lưu thông qua các tuyến cống bao đưa về trạm bơm mà không thoát thẳng ra kênh có công suất 64.000 m3/giờ, đạt 17,8 m3/s, công suất cực đại đạt 76.800 m3/giờ.
 
Tại thời điểm mưa, trạm bơm có thể hoạt động tối đa công suất, giảm tải cho hệ thống thoát nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.Ngoài ra, tại khu vực này cũng được bố trí thêm trạm bơm có công suất từ 26.000m3/giờ đến 96.000m3/giờ tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập.
 
Trạm bơm Bình Hưng Hoà có công suất 1.800 m3/giờ (0,5m3/s) thu gom nước từ thượng lưu kênh Nước Đen, thuộc địa bàn quận Tân Phú để đưa vào nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, trong thời điểm mưa, nhà máy sẽ tăng tối đa công suất trạm bơm và đóng các cửa xả ra kênh Nước Đen, góp phần giảm tải của kênh và hệ thống cống thoát nước.
 
Ngoài ra, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập thành phố cũng lắp đặt trạm bơm Đồng Diều, quận 8 có công suất 8.000 m3/giờ, thu nước từ mạng lưới cống thoát nước một phần khu vực quận 1, 3, 5, 10 thông qua các tuyến cống đưa về trạm bơm mà không đổ ra kênh Tàu Hủ - Bến Nghé góp phần giảm tải cho hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố./. 
Anh Tuấn - Xuân Dự 
Bài 2: Bài toán khó về quản lý, dự báo
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm