Cập nhật nhiều ứng dụng mới trong lĩnh vực truyền máu - huyết học

Cập nhật nhiều ứng dụng mới trong lĩnh vực truyền máu - huyết học
Hội nghị đã nhận được hơn 70 báo cáo, trong đó có 40 báo cáo từ các chuyên gia nước ngoài, qua đó đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của chuyên ngành truyền máu-huyết học khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng lần thứ 5 thu hút sự tham gia của 1.300 đại biểu trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự có mặt và báo cáo chuyên đề của 44 đại biểu là Giáo sư, Tiến sĩ và các chuyên gia huyết học có uy tín trên thế giới đến từ Bỉ, Canada, Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan, Croatia... 

Bác sỹ Phù Chí Dũng, Chủ tịch Hội Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm gần đây, ngành truyền máu-huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong điều trị và chẩn đoán các bệnh lý về máu, cũng như cải tiến chất lượng trong lĩnh vực truyền máu.
Bác sỹ Phù Chí Dũng, Chủ tịch Hội Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bác sỹ Phù Chí Dũng, Chủ tịch Hội Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Trong lĩnh vực truyền máu, Việt Nam đã có 5 ngân hàng máu lớn và các ngân hàng máu khu vực trải dài trên khắp đất nước, hàng năm thu gom gần 1,6 triệu đơn vị máu phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.

Ở lĩnh vực huyết học, thành tựu lớn nhất mà ngành đạt được là ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng trung tâm ghép ngày càng tăng. Đến nay, cả nước có 9 trung tâm ghép tế bào gốc tạo máu với số lượng ca ghép của cả nước gần 1.000 ca. 
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Riêng tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 đã triển khai đưa vào ứng dụng hệ thống Giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) đầu tiên trong cả nước nhằm xét nghiệm HLA độ phân giải cao cho bệnh nhân có nhu cầu ghép tế bào gốc.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng ứng dụng Kỹ thuật Digital PCR, là kỹ thuật định lượng gen mục tiêu, được ứng dụng để định lượng bệnh tồn dư tối thiểu cho các bệnh nhân ung thư.
 
Tại Hội nghị lần này, các báo cáo viên trong và ngoài nước có những báo cáo chuyên sâu về ghép tế bào gốc, những tiến bộ trong điều trị bệnh lý huyết học lành tính, ác tính…; cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực huyết học lâm sàng, truyền máu - ngân hàng máu, xét nghiệm, miễn dịch, di truyền học - sinh học phân tử… 
Báo cáo viên đến từ Nhật Bản trình bày về ghép tế bào máu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Báo cáo viên đến từ Nhật Bản trình bày về ghép tế bào máu tại Hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Song song với các phiên báo cáo khoa học, Hội nghị lần này còn có các phiên họp với các chuyên gia nước ngoài để bàn về vấn đề hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực huyết học. Qua 5 kỳ tổ chức, Hội nghị Truyền máu Huyết học phía Nam mở rộng đã liên tục tăng quy mô lên cả về số lượng người tham dự, số lượng và chất lượng báo cáo. Đặc biệt, với số lượng báo cáo từ báo cáo viên quốc tế ngày càng nhiều, việc chuyển dịch từ báo cáo tiếng Việt sang song ngữ và các phiên báo cáo hoàn toàn bằng tiếng Anh đã thể hiện những nỗ lực hội nhập quốc tế của lĩnh vực truyền máu-huyết học nước ta.
Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm