Bác sỹ Việt Nam và hành trình xây dựng niềm tin trên đất nước Campuchia - Bài 1

Bác sỹ Việt Nam và hành trình xây dựng niềm tin trên đất nước Campuchia - Bài 1
Bài 1: Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh - Công trình của tình hữu nghị
Có một Bệnh viện Chợ Rẫy ở Campuchia
Khởi công vào tháng 5/2010, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh được xây dựng trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị giữa 2 quốc gia Việt Nam - Campuchia, với mức đầu tư 40 triệu USD.
Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh - Công trình của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Ảnh: TTXVN phát
Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh - Công trình của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Ảnh: TTXVN phát

Vào tháng 1/2014, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh chính thức đi vào hoạt động, được coi là “đứa con” chung của Chính phủ hai nước, trở thành công trình đầu tiên về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực y tế.

Với mô hình này, lực lượng nhân sự nòng cốt phụ trách chuyên môn được điều chuyển trực tiếp từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh sang, bên cạnh đó là nguồn nhân lực y tế tuyển dụng tại Campuchia.
 
Theo quy hoạch ban đầu, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh được định hướng trở thành một bệnh viện hiện đại tiêu chuẩn quốc tế với 200 giường bệnh và đầy đủ các chuyên khoa: Khoa nội, khoa ngoại, khoa nhi, khoa sản, khu cấp cứu, khu khám đa khoa và điều trị ngoại trú, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... Tuy nhiên, với giá thành lên đến 100 USD/ngày/giường bệnh, thời gian đầu bệnh viện vẫn chưa thu hút được bệnh nhân.
 
Có mặt từ những ngày đầu thành lập, bác sỹ Phạm Ngọc Nguon, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh nhớ lại, thời kỳ đầu bệnh viện hoạt động khá khó khăn vì không có bệnh nhân, có những ngày bệnh viện chỉ có vỏn vẹn 2 bệnh nhân đến khám bệnh. Trước tình hình đó, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh lúc bấy giờ đã quyết định thay đổi chính sách, hướng đến người bệnh có thu nhập thấp hơn để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của người dân Campuchia.
 
Từ sự thay đổi chiến lược trên, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân. Nếu như năm 2014, có những thời điểm chỉ có 2 lượt bệnh nhân khám bệnh mỗi ngày, thì đến nay con số đã tăng lên khá ngoạn mục với hơn 1.700 lượt bệnh nhân/ngày. Tương tự, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú cũng tăng từ 1.265 lượt/năm lên 5.594 lượt/năm.

Riêng 8 tháng đầu năm 2018, số bệnh nhân nội trú tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2017; số bệnh nhân phẫu thuật tăng 51%; số bệnh nhân điều trị trong ngày tăng 70,1%; số test xét nghiệm tăng 37,5%; số lượt siêu âm - thăm dò chức năng tăng 20%; số bệnh nhân cấp cứu cũng tăng 15,7%... Điều này minh chứng cho niềm tin mà người dân Campuchia gửi gắm vào Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh. Ngay cả nhà sư Tep Vong – người được tôn sùng là “Vua sư” của đất nước Campuchia cũng chọn Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh là nơi khám định kỳ, điều trị mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe.
 
Những dấu ấn “đầu tiên”
Được phân công làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh trong hai năm 2015-2016, bác sỹ Nguyễn Tri Thức cho biết, ông rất tự hào khi chỉ trong một thời gian ngắn đã triển khai được nhiều dịch vụ lần đầu thực hiện tại Campuchia như thay khớp háng, mổ tuyến giáp nội soi, đặt máy tạo nhịp tim… Ngay cả nội soi tai mũi họng là một kỹ thuật khó, các bệnh viện ở Campuchia hiện chưa dám thực hiện, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh đã tiên phong thực hiện kỹ thuật này.
Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh thực hiện phẫu thuật nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân Campuchia. Ảnh: TTXVN phát
Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh thực hiện phẫu thuật nội soi tai mũi họng cho bệnh nhân Campuchia. Ảnh: TTXVN phát

Dù biết việc lần đầu tiên thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu tại một đất nước khác có nhiều khó khăn, nhưng vì sức khỏe, tính mạng của người dân, chúng tôi vẫn mạnh dạn triển khai. Và những điều này đã tạo tiếng vang tương đối tốt, củng cố niềm tin của người dân đối với đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện”, bác sỹ Nguyễn Tri Thức cho hay.
 
Sau 5 năm đi vào hoạt động, từ một số khoa cơ bản, đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh đã mở rộng quy mô lên đến 21 khoa/phòng với nhân sự 314 người. Tiến sỹ, bác sỹ Trần Thanh Tùng, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh cho biết, nhằm tăng chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, thời gian tới Bệnh viện sẽ hoàn thiện các kỹ thuật đang triển khai như chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi mũi, tiến tới thực hiện các kỹ thuật mới như phẫu thuật thẩm mỹ, chụp cộng hưởng từ (MRI)...
 
Một vấn đề luôn được Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh chú trọng là gây dựng niềm tin trong người dân Campuchia đối với Bệnh viện. Do vậy, chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế luôn được quan tâm.

Tiến sỹ, bác sỹ Trần Thanh Tùng cho hay, trước khi đưa vào hoạt động năm 2014, Bệnh viện đã chuẩn bị nguồn nhân lực, tuyển dụng, đào tạo tại Việt Nam 86 bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Trong quá trình Bệnh viện hoạt động, hàng tuần đều có chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí minh sang hỗ trợ. Đến nay, hàng ngàn lượt bác sỹ, chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh đã được cử sang hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh.
 
Mặc dù Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh không có hai khoa Sản và Nhi, nhưng để phục vụ nhu cầu của người dân Campuchia, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh cũng đã quyết định cử người sang học tập tại Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 - những bệnh viện hàng đầu trong lĩnh vực sản - nhi ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cùng các Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương đã chuyển giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh 1.898 kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, hồi sức cấp cứu, nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa.
 
Phó Giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh ví von, Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh là “người anh em” của Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc hỗ trợ xây dựng và phát triển Bệnh viện này là trách nhiệm mà tập thể Ban lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cần phải thực hiện.

Trong 5 năm qua, ngoài cử bác sỹ, chuyên gia đến trực tiếp phụ trách chuyên môn tại Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh còn liên tục đào tạo nhân lực kế thừa cho Bệnh viện này cũng như hỗ trợ tài chính, đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất….

Với tâm sức đã bỏ ra, chúng tôi hy vọng sẽ đưa Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Pênh trở thành một đơn vị dẫn đầu trong hệ thống y tế của Campuchia, từ đó góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trở nên khăng khít hơn”, Phó Giáo sư Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
 
Chính những nỗ lực này đã và đang từng bước đáp ứng kỳ vọng của Thủ tướng Campuchia Hun Sen khi quyết định ký hợp tác xây dựng Bệnh viện Chợ rẫy Phnom Pênh, đó là không những giúp người dân Campuchia có điều kiện điều trị bệnh ngay tại đất nước mình, tiết kiệm tài chính và thời gian, mà còn tạo điều kiện cho đội ngũ thầy thuốc Campuchia nâng cao tay nghề và học hỏi chuyên môn từ các bác sỹ Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Campuchia./.
 Đinh Hằng - Xuân Khu
 Bài 2: Khẳng định thương hiệu bác sỹ Việt ở Campuchia
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm