Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh:

Áp dụng thành công kỹ thuật mới trong điều trị ung thư trực tràng

Áp dụng thành công kỹ thuật mới trong điều trị ung thư trực tràng
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa điều trị thành công 7 trường hợp ung thư trực tràng bằng kỹ thuật nạo hạch chậu.

Thông thường trước đây, các trường hợp ung thư trực tràng chủ yếu chỉ được điều trị bằng hóa –xạ trị. Tuy nhiên, do tế bào ung thư không thể triệt tiêu nên thường sẽ tái phát trở lại, di căn sang vùng hạch chậu và sẽ tấn công các bộ phận khác như gan, phổi, lan tràn trong ổ bụng với tỷ lệ tái phát khoảng 12,6%.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật Nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng. Ảnh: Phương Vy- TTXVN.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật Nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng. Ảnh: Phương Vy- TTXVN.

Với kỹ thuật nạo hạch chậu sẽ loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trong vùng chậu, vì thế tỷ lệ tái phát chỉ còn khoảng 7,4%. Đây là một kỹ thuật tương đối khó và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật.

"Hạch vùng chậu thường nằm trong khu vực có nhiều mạch máu, dây thần kinh, niệu quản chồng chéo lên nhau, phẫu thuật viên phải khéo léo trong quá trình cắt và đưa khối u ra ngoài nhưng vẫn phải bảo toàn được hệ thống này”, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Thịnh cho hay.

Chị Đào Thị T. (46 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) đã từng mổ ung thư trực tràng cách đây 2 năm. Tuy nhiên, mới đây chị đến Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tái khám và phát hiện khối hạch di căn rất lớn khoảng 50mm trong vùng chậu bên trái.

Thông thường trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị tiếp nhưng không thể triệt tiêu các tế bào ung thư và khối u sẽ lại tái phát trong thời gian tới. Do vậy, các bác sỹ Khoa Ngoại tiêu hóa đã quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu bên trái cho người bệnh, giúp lấy trọn các tế bào ung thư còn sót lại.
Các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật Nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng. Ảnh: Phương Vy- TTXVN
Các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật Nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng. Ảnh: Phương Vy- TTXVN

Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Thịnh, ung thư trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao trên thế giới, chiếm 9% tần suất các loại ung thư. Ở Việt Nam, ung thư trực tràng đứng trong top 5 bệnh ung thư thường gặp và đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý ác tính đường tiêu hóa.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 300 trường hợp ung thư trực tràng được phẫu thuật.

Độ tuổi mắc bệnh ung thư trực tràng thường là tuổi trung niên và tuổi già, tần suất cao nhất trong độ tuổi 60-70 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư đại trực tràng vẫn gặp ở người trẻ với tỉ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 2%-10%.

Ung thư trực tràng ở người trẻ thường có độ ác tính cao và tiên lượng xấu hơn so với người lớn tuổi./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm