Trang phục truyền thống của người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu
Tại Mường Tè (Lai Châu), căn cứ vào sự khác nhau về y phục, về phương ngữ hay phong tục tập quán, người Hà Nhì tự chia thành hai nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì La Mí (gọi chung là Hà Nhì Hoa). Trong đó, nhóm Hà Nhì Cồ Chồ cư trú tập trung ở các bản Xi Né (xã Mù Cả), A Mé (xã Tà Tổng), Nậm Hạ (xã Kan Hồ), Chang Pa Chải (xã Hua Bum). Nhóm Hà Nhì La Mí cư trú tập trung ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm và các bản Mù Cả, Ma Ký, Gò Cứ (xã Mù Cả), Nậm Lọ (xã Kan Hồ).

Trang phục của người Hà Nhì Hoa cũng giống với các tộc người khác trong nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, không có sự phân loại về đẳng cấp và trang phục thường ngày với trang phục trong dịp lễ tết. Về cơ bản, việc tạo ra y phục cũng tuân thủ theo một quy trình nhất định từ việc tạo sợi, dệt vải, cắt may… Từ năm 1990 trở về trước, người Hà Nhì chủ yếu tự duy trì nghề trồng bông, trồng chàm, dệt vải để tự túc phần lớn nhu cầu may mặc. Để dệt được một tấm vải may trang phục họ phải trải qua một quá trình lao động miệt mài với nhiều công đoạn như: trồng bông, thu hoạch bông, sơ chế bông, cán bông, bật bông, quấn con bông, kéo sợi, hồ sợi, guồng sợi, đánh ống chỉ, dệt vải… mỗi công đoạn đều đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật mới có thể làm tốt được.
 

Trang phục của người Hà Nhì Hoa thường được phân biệt theo lứa tuổi và tính năng sử dụng. Trang phục thường ngày được coi là loại trang phục thông dụng và có nhiều tính năng nhất. Khi còn mới, chúng được mặc trong các dịp cưới xin, lễ tết, hội hè; khi đã cũ, họ dùng để mặc trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Trang phục dùng trong cưới xin, lễ hội của người Hà Nhì chủ yếu vẫn là loại trang phục mặc thường ngày, chỉ khác là chúng mới được may và mặc lần đầu nhất là trong ngày cưới, màu sắc hoa văn còn mới nên rực rỡ hơn, đẹp hơn.

Trên trang phục của phụ nữ Hà Nhì còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống về kiểu dáng cắt may, màu sắc, mẫu mã hoa văn trang trí… các thông tin về văn hóa tộc người được thể hiện qua lối xử lý kỹ thuật, qua nghệ thuật trang trí hoa văn, qua việc phối hợp màu sắc trang phục. Trang phục thường ngày của nữ giới Hà Nhì Hoa gồm có: khăn, mũ, vành đai bằng vải, vòng hạt cườm, áo dài, áo ngắn, quần, thắt lưng, xà cạp, túi đeo. Trang phục trong cưới xin, lễ hội của phụ nữ Hà Nhì Hoa về cơ bản cũng bao gồm các bộ phận như trang phục mặc thường ngày chỉ khác ở chỗ có màu sắc đẹp được trang trí nhiều hơn, còn mới hoặc được dùng lần đầu. Tuy nhiên hàng ngày khi đi làm hoặc trong các hoạt động khác phụ nữ Hà Nhì La Mí chỉ mặc một chiếc áo dài. Trong dịp hội hè cưới xin hay đi chơi họ mặc thêm chiếc áo ngắn ngoài chiếc áo dài để tôn thêm vẻ đẹp cho mình.
 

Trên áo, khăn của nữ giới thường có hoa văn trang trí bằng kỹ thuật thêu, thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người Hà Nhì Hoa. Với những đường thêu từ đơn giản đến phức tạp như thêu móc xích, hình dấu nhân, thêu đứt mũi mang đậm nét truyền thống còn có nhiều đường thêu do chị em tiếp thu của các dân tộc khác hoặc do chị em sáng tạo làm phong phú thêm các đường nét hoa văn Hà Nhì bởi vậy mỗi bộ trang phục nữ Hà Nhì Hoa là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản chiếu những sắc màu đậm, nhạt của rừng núi, thể hiện sắc nét cá tính chủ nhân.

Một số hoa văn phổ biến trên trang phục nữ giới thường là hoa văn kỷ hà (những đường thẳng gấp khúc, hình quả trám, đa giác thêu trên gấu quần, áo, cổ tay) hay hình hoa văn hoa lá (chủ yếu là hoa dây như cây thông và một số loại hoa bí, ngọn rau, hoa đào…). Một số hình ảnh về vũ trụ như mặt trăng, núi, sông, mặt trời hay hình các con vật như cựa gà trống, trái tim, rồng, phượng, chim thú... Tất cả hình thêu trang trí đều phản ánh cuộc sống của con người và mối quan hệ của con người với tự nhiên.

Ngoài ra, trong các dịp cưới xin, lễ hội chị em phụ nữ sử dụng nhiều đồ trang sức bằng bạc, kim loại hay hát cườm như vòng cổ, vòng tai, vòng tay, xà tích để trang điểm thêm.
 

Cùng với việc tạo ra trang phục cho mình, người phụ nữ cũng tạo ra trang phục cho các thành viên khác cho gia đình. Hiểu được tâm lý, yêu cầu của mỗi lứa tuổi để tạo ra những bộ trang phục phù hợp. Đối với người đàn ông, trang phục đẹp trước hết là sự lành lặn, màu sắc phù hợp với điều kiện, môi trường sống, và phù hợp với yêu cầu lao động hàng ngày. Việc tạo dáng, tạo hình trang phục phải thể hiện được sự khỏe mạnh, nở nang của cơ thể. Trang phục khi mặc phải thoải mái, vận động dễ dàng khi lao động, sinh hoạt nhất là đối với địa hình vùng núi cao. Chính vì thế trang phục nam giới Hà Nhì Hoa nói riêng và các dân tộc nói chung thường khá giống nhau về kiểu dáng cắt may, về màu sắc (chủ yếu là màu xanh chàm và đen). Trong cuộc đời mỗi người họ thường chỉ có hai loại trang phục: trang phục mặc khi lao động, gồm áo ngắn và quần; trang phục dùng trong cưới xin, lễ tết, hội hè gồm có khăn quấn đầu, áo dài, quần. Dù là loại trang phục nào cũng đều biểu hiện rõ nét sự mạnh mẽ, giản dị của giới tính nam.

Đối với trẻ em, người phụ nữ luôn tạo ra những bộ trang phục bắt mắt, không chỉ có màu sắc tươi sáng, rực rỡ mà còn an toàn, tiện lợi cho sử dụng. Người Hà Nhì ở Mường Tè thường sử dụng kỹ thuật ghép đính hạt nhôm, hạt cườm trên áo, khăn hay mũ của trẻ em. Những bộ trang phục của trẻ em chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về tình cảm của người mẹ, người bà cầu cho con, cháu được khỏe mạnh, khôn lớn.

Một số gia đình có điều kiện đeo cho trẻ vòng cổ hoặc vòng tay với mục đích chính là để trừ tà mà, kị gió chứ không phải để làm đẹp. Sau này khi trẻ lớn khoảng 8 - 10 tuổi mới có y phục riêng. Trang phục của trẻ em hoàn toàn giống trang phục của người lớn, điểm khác duy nhất là kiểu cắt may đơn giản hơn, trang trí hoa văn không cầu kỳ như trang phục người lớn.

Nhìn chung, dưới bàn tay khéo léo, sự sáng tạo và tính thẩm mỹ cao, người phụ nữ Hà Nhì Hoa ở Mường Tè cũng như phụ nữ các dân tộc anh em khác luôn say mê, cần mẫn tạo ra những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong vài thập kỉ gần đây, khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội của các cư dân. Một số ngành nghề thủ công trong đó có nghề dệt vải của các tộc người mai một dần do sản phẩm làm ra mất quá nhiều thời gian, giá thành cao, mẫu mã lại không đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của các tầng lớp xã hội. Chính vì vậy, sự thay đổi của trang phục các tộc người thiểu số ở nước ta nói chung và tộc người Hà Nhì Hoa nói riêng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, người Hà Nhì ở Mường Tè - Lai Châu vẫn luôn ý thức được việc gìn giữ bộ trang phục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm