Tọa đàm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội

Tọa đàm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 14 câu lạc bộ (CLB) và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó, hoạt động sôi nổi là những CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Thái Hà), CLB ca trù Thăng Long, CLB ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), Đông Trữ (Chương Mỹ), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Chanh Thôn (Phú Xuyên)…
Tọa đàm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội ảnh 1
Tọa đàm "Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội".
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người học ca trù… điều này cho thấy, việc thực hành ca trù ở Hà Nội đang có nhiều thay đổi tích cực. Các CLB còn giữ được 30 cách thể, điệu múa cổ, sáng tác thêm 18 làn điệu mới biểu diễn phụ vụ nhân dân và du khách… Tuy nhiên, để có thể bảo tồn nghệ thuật ca trù, đưa ca trù ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thì còn cần phải nỗ lực, có những biện pháp và hành động cụ thể hơn. Chính vì vậy, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân nhằm xây dựng Kế hoạch Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù giai đoạn 2016 - 2020.
Tọa đàm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội ảnh 2
CLB ca trù Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi.
Hầu hết các đại biểu tham gia tọa đàm đều nhất trí rằng, một trong những việc làm cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị ca trù là phải tiếp tục sưu tầm, bổ sung đầy đủ các thể cách trong nghệ thuật ca trù; thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật ca trù để tăng cường giao lưu, học hỏi giữa các CLB ca trù ở Hà Nội và các địa phương khác. Các đại biểu cũng đề nghị, Hà Nội cần thực hiện cuộc kiểm kê di sản ca trù trên địa bàn thành phố, đồng thời có chính sách hỗ trợ để các nghệ nhân tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận; tạo điều kiện để các CLB ca trù có địa điểm sinh hoạt thường xuyên; nâng cấp, đầu tư một số điểm biểu diễn ca trù phục vụ khách tham quan; đưa ca trù vào đời sống cộng đồng; xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân, hỗ trợ các CLB…  Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Nội là một trong những địa phương đã bước đầu có sự quan tâm chăm lo cho hoạt động bảo tồn ca trù từng bước phát triển. Trong 6 năm qua, Sở Văn hóa thể thao đã tổ chức Liên hoan ca trù mở rộng, tổ chức “Hội thảo tọa đàm về bảo tồn ca trù trên địa bàn Hà Nội”, bước đầu có hỗ trợ về trang thiết bị âm thanh cho các câu lạc bộ hoạt động. Ông Trương Minh Tiến cũng cho biết, dự kiến năm 2016 sẽ tổ chức liên hoan ca trù thành phố Hà Nội lần thứ 3 nhằm phát hiện bồi dưỡng lớp tài năng trẻ, đẩy mạnh giao lưu giữa các Câu lạc bộ, địa phương có hoạt động ca trù.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm