Trà Vinh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới

 Trà Vinh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngày 6/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo với chủ đề "Trà Vinh - tạo sản phẩm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025". Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (tháng 5/1992- 5/2022).

 Trà Vinh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 1 Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Hội thảo thu hút khoảng 120 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, văn hóa tại các viện, trường; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh… tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với 65 km bờ biển, Trà Vinh có hệ sinh thái khác biệt so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều cù lao, cồn nổi quanh năm cho cây lành quả ngọt, thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn.

 Trà Vinh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 2Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Trà Vinh đã xây dựng một số mô hình du lịch gắn với gắn với xây dựng nông thôn mới tại các địa phương như: Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) và điểm du lịch nông nghiệp Sokfarm (thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần)… Các mô hình này đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm đến khi đến với Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoạt động du lịch đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 77/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 21 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có 5/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nếp sống, cảnh quan và cơ sở vật chất hạ tầng tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc hình thành, nâng cao chất lượng của các dịch vụ, sản phẩm và trải nghiệm du lịch tại địa phương.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài, hiện ngành Du lịch tỉnh đã phục hồi. Trong 3 tháng đầu năm 2022, địa phương đã đón hơn 200.000 lượt khách tham quan. Các sản phẩm du lịch tại Trà Vinh như: mô hình du lịch thuận thiên Cồn Chim và mô hình du lịch tự thân Cồn Hô với tour đèn dầu đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm. Ngành Du lịch tỉnh đang xây dựng mô hình du lịch hợp điểm Khâu Lầu. Cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tỉnh chú trọng đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP để giới thiệu đặc sản vùng miền đến du khách.

 Trà Vinh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 3Đại biểu tham quan Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành). Ảnh: Thanh Hòa – TTXVN

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành… đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp giúp ngành Du lịch Trà Vinh phát triển bền vững; có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Thạc sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, trong quá trình cộng cư và kiến tạo các hoạt động sinh kế, cư dân ven biển Trà Vinh đã có sự thích ứng linh hoạt, sáng tạo với tri thức và kinh nghiệm độc đáo góp phần hình thành nên cảnh quan sinh thái nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Hiện nay, du lịch và nông nghiệp là hai thế mạnh quan trọng cần được ưu tiên phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng. Các trải nghiệm du lịch nông nghiệp hướng đến mục tiêu giải trí và giáo dục sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương.

Để khai thác du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng ven biển, ngành Du lịch tỉnh cần xây dựng tư liệu tổng hợp có cơ sở khoa học và thực tiễn để khái luận các giá trị đặc sắc của cộng đồng ven biển Trà Vinh trong việc thích ứng biến đổi khí hậu; nhận diện các vùng trọng điểm về phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, triển khai thí điểm các tuyến du lịch kết nối hành trình từ sông ra biển; tăng cường liên kết, phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, trong hai ngày 4-5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch tổ chức chuyến FAMTRIP để giới thiệu các điểm du lịch của tỉnh đến các đại biểu.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm