Trà Vinh quan tâm hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Út cho biết, qua rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh có 10.207 hộ nghèo (chiếm 3,56% tổng số hộ dân cư), trong đó có 6.483 hộ nghèo dân tộc Khmer, chiếm 7,19% hộ dân tộc Khmer trong tỉnh. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu giảm 0,5% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer giảm 1% trở lên.

Tra Vinh quan tam ho tro nguoi dan thoat ngheo ben vung hinh anh 1 Nông dân huyện Tiểu Cần cấy dặm lúa Hè Thu. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Tỉnh sẽ huy động nguồn lực của Trung ương, nguồn đối ứng của địa phương, nguồn vốn lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để thực hiện công tác giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cùng với việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh, tăng cường duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đa dạng các hình thức sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tổ chức đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới, bảo đảm an sinh xã hội, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Út đề xuất thời gian tới, tỉnh rà soát, phân loại từng nhóm hộ nguyên nhân dẫn đến nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với nhóm hộ nghèo do có người già yếu, bệnh tật, trẻ em, hoặc thiếu lao động dẫn đến không có khả năng thoát nghèo, tỉnh tăng cường thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đối với nhóm hộ nghèo thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm, tỉnh tập trung cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tạo việc làm để thoát nghèo. Nhóm hộ nghèo ít đất sản xuất được hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, hỗ trợ đầu ra sản phẩm… Địa phương quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nghèo, tuyên truyền vận động lao động trẻ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sẵn sàng đi xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần thoát nghèo bền vững.

Với nhóm hộ nghèo không biết tổ chức cuộc sống, sa vào các tệ nạn xã hội, có tư tưởng ỷ lại, các cấp, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho hộ gia đình, trước khi tiến hành triển khai các giải pháp hỗ trợ. Ngoài ra, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, các tấm gương thoát nghèo để khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉnh Trà Vinh duy trì một số chính sách hỗ trợ cho các hộ mới thoát nghèo trong một thời gian nhất định để họ có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống thoát nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Ông Nguyễn Văn Út cho biết thêm, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, năm 2021, tỉnh Trà Vinh giảm thêm 3.554 hộ nghèo, toàn tỉnh chỉ còn 1.650 hộ nghèo theo chuẩn nghèo này. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 779 hộ, giảm 2.084 hộ so với năm 2020.

Thanh Hòa

Tin liên quan

Trà Vinh phấn đấu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer

Tỉnh ủy Trà Vinh vừa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu thực hiện tốt chính sách, bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh.


Đa dạng hóa sinh kế giúp người Khmer giảm nghèo

Trà Cú là huyện vùng sâu của tỉnh Trà Vinh với trên 62% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ triển khai nhiều mô hình, giải pháp trong công tác giảm nghèo, Trà Cú đã giúp nhiều hộ Khmer nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.


Trà Vinh nâng cao đời sống đồng bào Khmer, góp phần xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 32%. Đồng bào Khmer Trà Vinh chủ yếu sống ở vùng nông thôn với nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, cùng với đồng bào Kinh, Hoa, đồng bào Khmer Trà Vinh rất tích cực xây dựng nông thôn mới, chung tay cùng chính quyền cải thiện diện mạo phum sóc, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông hộ.



Đề xuất