Trà Vinh phát triển vùng nguyên liệu an toàn phục vụ cho xuất khẩu

Trà Vinh phát triển vùng nguyên liệu an toàn phục vụ cho xuất khẩu

Tỉnh Trà Vinh vừa xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa giai đoạn sau dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định các mặt hàng chủ lực để tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Trà Vinh phát triển vùng nguyên liệu an toàn phục vụ cho xuất khẩu ảnh 1Vườn quýt của ông Nguyễn Văn Chừa, thành viên Hợp tác xã Quýt đường Thuận Phú - một trong những hợp tác xã  được hỗ trợ bộ nhận dạng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm quýt đường. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Cụ thể là các loại nông, thủy sản lúa gạo, dừa, cây ăn quả, tôm, cá tra, thịt lợn, thịt bò, thịt và trứng gia cầm. Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh các loại nông, thủy sản này tiếp cận các chính sách về đầu tư, vốn tín dụng, xúc tiến thương mại... để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ngành chức năng tỉnh Trà Vinh tăng cường theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các cửa khẩu, cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh để kịp thời điều tiết hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh thông tin nhu cầu tiêu thụ nông, thủy sản của các thị trường xuất khẩu đối tác hiện nay và các thị trường xuất khẩu mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thông tin, cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp khi xuất khẩu sang thị trường ngoài nước; các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và các biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS) giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh có định hướng để tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại thông qua ứng dụng thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, chú trọng kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các ứng dụng này, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh, thành trong nước quốc tế.

Tỉnh cũng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước; tiếp tục hướng dẫn thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng thương hiệu sản phẩm, mã vùng trồng và kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, trồng, các cơ sở chế biến, đóng gói trên địa bàn tỉnh... Điều này nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ảnh hưởng dịch COVID-19, thời gian qua, nông dân gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản. Để nâng cao giá trị nông, thủy sản trong tỉnh, đảm bảo điều kiện xuất khẩu, mở rộng thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh vận động nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng lúa khoảng 80.000 ha, với sản lượng đạt khoảng 1,15 triệu tấn/năm; 24.000 ha trồng dừa, với sản lượng đạt khoảng 350.000 tấn/năm; gần 20.000 ha trồng cây ăn quả với sản lượng đạt trên 263.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, mỗi năm, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 75.500 tấn, cá tra đạt 4.500 tấn, thịt lợn hơn 76.000 tấn, thịt bò khoảng 16.000 tấn; thịt gia cầm khoảng 21.000 tấn và trứng gia cầm khoảng 160 triệu quả.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm