Trà Vinh: Phát triển ổn định vùng trồng mía theo hướng liên kết tập trung

Trà Vinh: Phát triển ổn định vùng trồng mía theo hướng liên kết tập trung

Tỉnh Trà Vinh có vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú, chiếm trên 80% diện tích trồng mía toàn tỉnh. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng mía, giai đoạn 2023-2025, địa phương này sẽ phát triển ổn định vùng trồng mía nguyên liệu theo hướng liên kết tập trung.

Trà Vinh: Phát triển ổn định vùng trồng mía theo hướng liên kết tập trung ảnh 1 Nông dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh) thu hoạch mía. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN.

Đồng thời, hình thành các tổ chức đại diện tham gia kí hợp đồng đầu tư và thu mua mía với Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh. Huyện phấn đấu 100% diện tích trồng mía được kí hợp đồng liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ liên kết sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Thanh Bình cho biết, để phát triển ổn định vùng trồng mía nguyên liệu theo hướng này, địa phương thực hiện nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức sản xuất, giải pháp thâm canh mía nguyên liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật...

Huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng mía nguyên liệu; đầu tư thâm canh để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, đáp ứng yêu cầu Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh. Trà Cú đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2035, diện tích trồng mía ổn định 1.200 ha; năng suất mía bình quân đạt từ 110-120 tấn/ha; trong đó, mía thâm canh đạt 140 tấn/ha; tổng sản lượng mía toàn vùng trên 150.000 tấn/năm, chữ đường bình quân đạt 10 CCS trở lên.

Huyện Trà Cú khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển giống mía tốt để trồng mới 30-40% diện tích toàn vùng trong năm nay. Cùng đó, phấn đấu đến niên vụ 2025-2026 sẽ thay thế toàn bộ giống mía cũ bằng giống mía mới đảm bảo sạch bệnh, năng suất, chất lượng.

Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thâm canh cây mía; đặc biệt là phân bón chuyên dụng, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn sinh học, thiết bị chăm sóc, thu hoạch; nâng cấp hệ thống thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích trồng mía thâm canh trên địa bàn.

Về cơ chế, chính sách, Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho các khoản vay từ công ty để đầu tư thuê đất trồng mía, chi phí mua giống, phân bón và chăm sóc mía; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vận chuyển khi hộ trồng mía có nhu cầu. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban phát triển mía đường các cấp ở địa phương tùy theo từng vụ.

Những năm trước, trồng mía là nghề truyền thống, từng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 5.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer của huyện Trà Cú với diện tích ổn định hơn 4.000 ha. Tuy nhiên, nhiều vụ sản xuất bị thua lỗ nặng khiến vùng mía nguyên liệu này liên tục bị thu hẹp.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú cho biết, niên vụ mía 2022-2023, huyện Trà Cú chỉ còn trên 1.121 ha trồng mía và đã thu hoạch dứt điểm với năng suất bình quân 120 tấn/ha, tổng sản lượng mía nguyên liệu đạt gần 129.000 tấn. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là vụ sản xuất mía thứ 2 có lãi sau 5 niên vụ thua lỗ nặng nề liên tục.

Nhằm giữ vững vùng mía nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất của Nhà máy, những năm qua, Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh đã thực hiện chính sách đầu tư và bao tiêu sản phẩm tại ruộng. Niên vụ mía 2022-2023, Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh hợp đồng đầu tư thu mua mía nguyên liệu cho 900 hộ trồng trên tổng diện tích hơn 1.111 ha với mức đầu tư tối đa 70 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón, trả chi phí nhân công… Đến kỳ thu hoạch nông dân mới trả lại tiền đầu tư cho công ty.

Niên vụ mía 2023 - 2024, Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh khuyến khích, vận động nông dân mở rộng diện tích mía nguyên liệu, với các chính sách ưu đãi, đầu tư và bao tiêu cho nông dân. Cụ thể, Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh đầu tư chi phí sản xuất với mức 75 triệu đồng/ha với diện tích trồng mới, 46 triệu đồng/ha với diện tích trồng lại và 35 triệu đồng/ha với diện tích lưu gốc…

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm