Trà Vinh phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp

Tỉnh Trà Vinh đang tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển du lịch theo Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tra Vinh phat trien du lich gan voi phat huy tiem nang, loi the ve nong nghiep hinh anh 1Du khách tham quan vườn chôm chôm ở cù lao Tân Qui, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, bền vững. Theo đó, địa phương sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái; có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

Từ nay đến năm 2025, địa phương phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng xây dựng được ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù. Tỉnh hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn; đào tạo, tập huấn nhân viên phục vụ về nghiệp vụ quản lý du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch; đồng thời huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường phối hợp liên ngành.

Trong 3 năm gần đây, Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước với các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững cùng những điểm đến di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa, lễ hội tâm linh và cảnh quan sông nước miệt vườn… Hiện tỉnh có 3 điểm du lịch cộng đồng là: Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành), Cồn Hô (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) và điểm du lịch làng nghề biển thị trấn Mỹ Long. Địa phương đang khai thác các tuyến du lịch như: Tuyến du lịch cộng đồng “Thành phố Trà Vinh - Làng văn hóa, du lịch Khmer - Cồn Chim”; du lịch sinh thái “Thành phố Trà Vinh - Làng văn hóa, du lịch Khmer - Cồn Hô”; tuyến du lịch văn hóa - sinh thái Tiểu Cần - Cầu Kè; du lịch biển Ba Động; du lịch văn hóa huyện Trà Cú. Các tuyến du lịch này bình quân đón hơn 1.445.000 lượt khách/năm.

Trong năm 2022 và 2023, trên địa bàn, 3 hộ dân đã mạnh dạn lập vườn nho, đầu tư cơ sở hạ tầng mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Những vườn nho này đang thu hút rất đông du khách đến tham quan, nhất là vào những ngày cuối tuần. Đây được xem là điểm đột phá, tạo thêm hướng mở để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng của địa phương.

Phúc Sơn

Tin liên quan

Du khách đến Trà Vinh vì tình yêu với văn hóa Khmer

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng khách du lịch đến Trà Vinh tăng mạnh. Trong 5 ngày, địa phương đón khoảng 85.000 lượt khách (cao hơn so với kỳ nghỉ lễ năm 2022 gần 35.000 lượt); trong đó, lượng khách quốc tế tăng gần 5 lần so với kỳ nghỉ lễ năm 2022 với khoảng 720 lượt khách. Tổng doanh thu đạt trên 46 tỷ đồng.


Trà Vinh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngày 6/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo với chủ đề "Trà Vinh - tạo sản phẩm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025". Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (tháng 5/1992- 5/2022).


Kết nối kinh tế vườn với du lịch sinh thái giúp tăng giá trị cho cây ăn trái

Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với hệ thống sông rạch phong phú, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ quanh năm đã tạo cho địa phương có một nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng. Đặc biệt, tỉnh có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông với những vườn cây ăn quả đặc sản chuyên canh rất lợi thế để phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị cây ăn quả đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.



Đề xuất