Trà Vinh khuyến khích sử dụng 4 giống lúa thích nghi với đất bị xâm nhập mặn

Trà Vinh khuyến khích sử dụng 4 giống lúa thích nghi với đất bị xâm nhập mặn
Ông Lê Phước Dũng, Phó Giám đốc Điều phối Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh cho biết, theo kết quả sản xuất thử nghiệm ở cả vụ lúa Hè Thu và Đông Xuân đã qua của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng đất bị nhiễm mặn trong tỉnh Trà Vinh, tại các xã như: Thanh Mỹ, Phước hảo huyện Châu Thành; Tập Sơn, Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú cho thấy, có 3 giống lúa OM 376, OM 9582, OM 429, chống chịu được độ mặn từ 4 – 6 %o, chống chịu được bệnh đạo ôn cấp 6 và chống chịu được rầy nâu cấp 4. Còn đối với giống lúa OM 9921 chống chịu được độ mặn từ 3 – 4 %o, chống chịu được bệnh đạo ôn cấp 6 và chống chịu được rầy nâu cấp 5.

Các giống lúa này đều cho năng suất cao, chất lượng gạo đạt chuẩn xuất khẩu. Với tính ưu thế về chống chịu mặn, bệnh đạo ôn và rầy nâu, nên ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân sử dụng các giống lúa này để sản xuất tại các vùng thường bị xâm nhập mặn trong vụ lúa Thu Đông và Đông Xuân.

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện vụ lúa Hè Thu 2019, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được gần 20.000 ha, trong tổng diện tích 74.706 ha, năng suất đạt 5 – 6,5 tấn/ha, giảm khoảng 0,2 tấn/ha so năm trước.

Nguyên nhân năng suất lúa giảm là do bất lợi về thời tiết, mưa bão làm lúa bị sập đổ; một số loại sâu bệnh gây hại nặng, đặc biệt là bệnh đạo ôn, rầy nâu. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, nông dân nên chọn các giống lúa có ưu thế chống chịu mặn, bệnh đạo ôn và rầy nâu như các giống lúa OM 376, OM 9582, OM 429, OM 9921 để sản xuất, nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng lợi nhuận.
Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm