Trà Vinh: Hiệu quả kinh tế cao từ trồng rừng kết hợp với nuôi tôm, cá

Ao nuôi tôm của hộ nông dân. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Ao nuôi tôm của hộ nông dân. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Theo xu hướng sản xuất tạo sản phẩm sạch, tại tỉnh Trà Vinh trong những năm gần đây đã có đã có hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải, phát triển khá nhiều mô hình trồng rừng kết hợp nuôi tôm – cá. Đây là mô hình được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích, đánh giá cao về hiệu quả và tính bền vững bảo vệ môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Minh Truyền, qua khảo sát toàn tỉnh hiện có hơn 5.750 ha được người dân sản xuất theo mô hình rừng – tôm – cá và khoảng 5.600 ha sản xuất sạch lúa – tôm, lúa - cá. Thu nhập bình quân của mô hình sản xuất này đem cho nông dân từ 90 – 120 triệu đồng/ha/năm.

Trà Vinh: Hiệu quả kinh tế cao từ trồng rừng kết hợp với nuôi tôm, cá ảnh 1Ao nuôi tôm của hộ nông dân. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh luôn khuyến khích nông dân ở các vùng ven biển đa dạng hóa các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản; nhất là phát triển mô hình trồng và bảo vệ rừng kết hợp nuôi tôm, cua, sò huyết, vọp sinh thái. Đối với vùng nước lợ, nông dân không đủ điều kiện về diện tích, nguồn vốn đầu tư để xây dựng hệ thống ao nuôi tôm thâm canh công nghệ cao được khuyến khích mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua biển…

Ông Huỳnh Văn Phong, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đã thực hiện mô hình rừng - tôm hơn 10 năm. Với diện tích 4 ha được ông Phong bố trí 2 ha trồng các loại cây rừng đước, sú, mắm, để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thuỷ sản khác.

Ông Phong cho biết, với tích 2 ha mặt nước ao, mỗi năm ông thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6.000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ bỏ vốn mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể nên thu nhập mỗi năm khoảng trên 250 triệu đồng. Ngoài ra, trên diện tích đất rừng, ông còn thả nuôi thêm vọp, sò huyết cho thêm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.

Ông Phong cho biết thêm, lợi thế của mô hình rừng – tôm là thu hoạch chọn lựa dần tôm đạt kích cở loại I (10 con/kg trở lại), cua gạch, cua thịt từ 2 – 3 con/kg để bán được giá cao; không bị động khi thu hoạch tập trung phải phụ thuộc vào thời điểm của giá cả thị trường. Ngoài ra, giá tôm, cua nuôi sinh thái luôn cao hơn tôm, cua nuôi thâm canh từ 15 – 20 %.

Nhờ hiệu quả và ít rủi ro thiệt hại trước biến động thời tiết, môi trường, dịch bệnh thủy sản, đến nay tại các huyện ven biển có hơn 4.000 ha rừng được người dân tự trồng, bảo vệ kết hợp nuôi tôm, vọp, sò huyết, cua biển. Bình quân 1 ha sản xuất được nông dân kết hợp theo tỉ lệ 40 % diện tích rừng – 60% diện tích mặt nước nuôi các loại thủy sản.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho hay, hiện tỉnh có trên 9.160 ha rừng; trong số này có 5.120 ha rừng đã được giao khoán cho người dân và các tổ chức bảo vệ, số diện tích rừng còn lại do người dân tự trồng và quản lý. Tỉnh cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ dân và các tổ chức trồng mới, bảo vệ rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, hộ nông dân và các tổ chức khi trồng rừng (cây đước) trên đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp theo các qui định của pháp luật hiện hành đạt diện tích từ 0,3 ha trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua cây giống, nhưng không quá 37 triệu đồng/ha. Hộ, cá nhân được giao nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất được tỉnh hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 500.000 đồng/ha/năm, nhưng tối đa không quá 15 ha/cá nhân và không quá 30 ha/hộ.

Đây là chính sách của tỉnh để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, có thêm khoảng 795 ha rừng được trồng mới, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của tỉnh đạt khoảng 10.000 ha và đạt độ che phủ 4,2 %, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, vừa tạo sinh kế bền vững cho hộ dân vùng ven biển.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm