Trà Vinh đầu tư hơn 4.350 tỷ đồng phát triển hạ tầng thủy lợi

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành quyết định thực hiện Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng và phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, với tổng vốn đầu tư hơn 4.350 tỷ đồng.

Tra Vinh dau tu hon 4.350 ty dong phat trien ha tang thuy loi hinh anh 1Dự án kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Dự kiến, đề án sẽ thực hiện 55 công trình hạ tầng thủy lợi đảm bảo các yêu cầu, tiêu chí phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái, giảm nhẹ thiên tai để phát triển bền vững; tạo thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, Đề án phát triển hạ tầng thủy lợi hướng đến sự phát triển đa mục tiêu, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Các công trình thủy lợi trong đề án được tập trung vào mục tiêu chủ động trong việc cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khai thác và phát huy đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi hiện có không chia cắt theo địa giới hành chính. Các công trình thủy lợi sau khi được xây dựng đưa vào sử dụng sẽ gắn kết chặt chẽ việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, đề án phát triển hạ tầng thủy lợi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho đơn vị phối hợp cùng với một số sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện.

Trước mắt, các đơn vị được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp, thực trạng quản lý, sử dụng tài nguyên nước và khó khăn trong điều tiết nguồn nước nội vùng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát thực tế, các đơn vị thống nhất xây dựng kế hoạch thực hiện các công trình, hạng mục theo thứ tự ưu tiên đầu tư.

Đề án phát triển hạ tầng thủy lợi này là một trong những kế hoạch quan trọng ứng phó trước sự biến đổi khí hậu, khắc phục tình hình hạn, mặn. Đây còn là giải pháp để tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững; đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 30.000 tỷ đồng/năm vào năm 2025, đóng góp khoảng 20% vào mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh.

Phúc Sơn

Tin liên quan

Sơn La tăng hiệu quả khai thác các công trình hồ, đập thủy lợi

Sơn La là tỉnh có địa hình phức tạp, độ dốc lớn nên hàng năm chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ; trong đó, có hệ thống các hồ đập thủy lợi. Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La tích cực triển khai các hoạt động, gia cố, tu sửa hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo an toàn hồ đập, duy trì nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.


Ninh Thuận đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi mùa mưa lũ

Mùa mưa lũ đã cận kề, trong khi thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.


Đổi thay từ những công trình thủy lợi đúng hướng ở Bình Thuận

Nhắc đến Bình Thuận, nhiều người vẫn không quên được ký ức là một trong những vùng khô hạn nhất cả nước với thiếu mưa, thừa nắng, đất đai cằn cỗi. Trụ lại nơi đây phần lớn chỉ có những cành xương rồng già nua, xơ xác... Sau 45 năm giải phóng (19/4/1975-19/4/2020), giờ đây những hình ảnh đó không còn nữa, thay vào đó là màu xanh ngút ngàn của cây trái và lúa... Những công trình thủy lợi đúng hướng đã mang về màu xanh và những mầm sống mới.



Đề xuất