Trà Vinh công nhận thêm 26 sản phẩm OCOP

Trà Vinh công nhận thêm 26 sản phẩm OCOP

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định công nhận 26 sản phẩm OCOP năm 2020 (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của 16 hộ kinh doanh, công ty và hợp tác xã đạt hạng 3 sao và 4 sao. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP này có giá trị trong 3 năm. 

Trà Vinh công nhận thêm 26 sản phẩm OCOP ảnh 1 Đặc sản từ dừa Trà Vinh. Ảnh: duasapbaochau.com

Trong số đó, 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: đường hoa dừa và nước uống mật hoa dừa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm; dừa sáp Hòa Tân của Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân; dừa sáp sợi VICOSAP, dừa sáp Bảo Châu, kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa VICOSAP, kẹo dừa sáp ca cao VICOSAP của Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến Dừa sáp Cầu Kè; bánh tét 3 màu và bánh tét bồ ngót của hộ kinh doanh Mai Hoàng Lý.

Các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao gồm: hạt ca cao- mật hoa dừa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm; đàn Guitar phím lõm của hộ kinh doanh Võ Văn Nam; rượu sâm bố chính của hộ kinh doanh Phúc Hậu; tinh dầu gấc của Công ty Trách nhiệm Đồng Phát Dophaco; bánh tét 3 màu và bánh tét thập cẩm của hộ kinh doanh Mai Thị Hoàng Loan; bánh tráng sữa nước cốt dừa của hộ kinh doanh Trần Thị Hiền

Cùng với đó là các sản phẩm: khô cá lưỡi trâu nguyên con một nắng và khô cá khoai xẻ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hồng Liên TV; bột nưa Minh Hùng của Hộ kinh doanh Hứa Minh Hùng; bột ca cao nguyên chất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cacao Mêkong; bánh tét của hộ kinh doanh Thạch Thị Di; bánh tráng của hộ kinh doanh Phan Quang Đáng; rượu nhàu, rượu đinh lăng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa kiểng Trà Vinh; tinh bột nghệ của hộ kinh doanh Phạm Thị Phú Phúc.

Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, giai đoạn 2021-2025,UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP 100% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác và xây dựng câu chuyện sản phẩm với mức tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm, mỗi xã được hỗ trợ không quá 3 sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ chi phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hành kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu 20m2/cửa hàng, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm với mức hỗ trợ 100% chi phí trưng bày giới thiệu, tìm kiếm thị trường thông qua các hội chợ triển lãm trong nước, nước ngoài; hỗ trợ chi phí tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà phân phối để đưa các sản phẩm vào kênh phân phối. Tỉnh cũng hỗ trợ 50% chi phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng.

Ngoài ra, các cơ sở có sản phẩm OCOP còn được hỗ trợ nâng sao. Cụ thể, sản phẩm 3 hoặc 4 sao được nâng lên 5 sao, tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao được hỗ trợ 5 triệu đồng/sản phẩm. Trường hợp sản phẩm dưới 3 sao được nâng lên 5 sao, hoặc sản phẩm đạt 5 sao ngay lần xét duyệt đầu tiên, tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng.

Trước đó, UBND tỉnh công nhận 30 sản phẩm OCOP năm 2019 của 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đạt hạng 3 sao và 4 sao, với 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Như vậy, đến nay tỉnh có 56 sản phẩm OCOP; trong đó, 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm