Trà Vinh có nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp

Công nhân sơ chế ớt chỉ thiên tại Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công, huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh : nhandan.com.vn
Công nhân sơ chế ớt chỉ thiên tại Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công, huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh : nhandan.com.vn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; tích cực hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận các chính sách của Trung ương và tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, trên 50% hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh hoạt động hiệu quả.

Trà Vinh có nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ảnh 1Công nhân sơ chế ớt chỉ thiên tại Hợp tác xã nông nghiệp Thành Công, huyện Trà Cú (Trà Vinh). Ảnh: nhandan.com.vn

Theo đó, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh; tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội … để hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt chú trọng giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, thắt chặt các mối liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân; từng bước thay đổi phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh hiện có hơn 120 hợp tác xã nông nghiệp nhưng số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm rất thấp. Nguyên nhân là phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp ở Trà Vinh chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún với phương thức nông hộ, sản phẩm dưới dạng sơ chế, không nhãn hiệu, ít có sự liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Cùng đó là những khó khăn do hạn chế về năng lực tài chính, khả năng quản lý, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ… Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển.

Đơn cử như Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú được thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2018, với 61 thành viên, vốn điều lệ 700 triệu đồng; sản xuất lúa hữu cơ trên tổng diện tích 130 ha.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp Trầm Minh Thuần cho biết, thời gian qua hợp tác xã được tiếp cận rất nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ hợp tác xã 600 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất; Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Trà Vinh) hỗ trợ hợp tác xã 300 triệu đồng để xây dựng bộ thương hiệu; Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (AMD Trà Vinh) hỗ trợ hợp tác xã 120 triệu đồng để mua giống cây trồng vật nuôi; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ hợp tác xã 320 triệu đồng để trang bị máy đóng gói tự động.

Tổng số tiền hợp tác xã được nhận hỗ trợ không hoàn lại là hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, hợp tác xã còn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khác.

Nhờ vậy, đến nay hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả và khá thành công với mô hình sản xuất gạo sạch mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng”. Đây là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, được tiêu thụ ở 20 tỉnh, thành cả nước.

Hợp tác xã đã nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập mỗi vụ gần 2 triệu đồng/ha so với cách sản xuất truyền thống, đơn lẻ trước đây.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm