Trà Vinh chuyển hơn 2.000 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị

Nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cải tạo đất trồng lúa để chuyển sang trồng màu. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cải tạo đất trồng lúa để chuyển sang trồng màu. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, năm nay, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi khoảng 1.550 ha đất trồng lúa và khoảng 500 ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.

Trà Vinh chuyển hơn 2.000 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị ảnh 1Nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cải tạo đất trồng lúa để chuyển sang trồng màu. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi, trồng cây con khác hiệu quả cao hơn, từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Để khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với nhiều đối tượng và nội dung được áp dụng; trong đó, các diện tích trồng lúa kém hiệu quả được hỗ trợ 1 lần chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chuyển sang các loại cây trồng khác như ngô, lạc, rau, cỏ với mức tối đa 10 triệu đồng/ha trồng ngô, lạc; 8 triệu đồng/ha trồng rau; 6 triệu/ha trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Các diện tích vườn tạp, mía chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác được hỗ trợ từ 3-10 triệu đồng/ha tùy từng loại.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã chuyển đổi hơn 1.200 ha đất trồng lúa và hơn 125 ha đất trồng mía sang các loại hoa màu, dừa, cây ăn trái và nuôi thủy sản. Như vậy, từ nay 2014 đến nay, tỉnh đã chuyển đổi hơn 20.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng vật nuôi khác. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều giúp nông dân tăng thu nhập nhiều lần so với trồng lúa.

Ông Ngô Minh, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú cho biết, ảnh hưởng biến đổi khí hậu nắng nóng kéo dài, ruộng lúa không đủ nước tưới vào mùa khô nên gia đình đã chuyển sang trồng thử nghiệm, luân canh rau màu và ngô trên diện tích 0,2 ha vào năm 2016. Sau 1 năm, mô hình đạt lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Từ thành công này, gia đình ông đã chuyển toàn bộ 0,35 ha còn lại sang trồng 2 vụ màu, 1 vụ lúa. Mỗi năm, gia đình ông có tổng thu nhập khoảng 110 triệu đồng, tăng nhiều lần so với độc canh cây lúa như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Gấm, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú cho biết, năm 2016, gia đình ông được chính quyền địa phương vận động, chuyển đổi 0,7 ha đất trồng mía sang trồng ngô, 3 vụ/năm. Kết quả, năng suất mỗi vụ đạt từ 2-2,2 tấn/1.000m2. Sau khi trừ tất cả chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình ông đạt lợi nhuận hơn 80 triệu đồng, tăng nhiều lần so với trồng mía trước đó. Ngoài ra, ông còn tận dụng cây ngô là làm thức ăn nuôi bò sinh sản nên có thêm nguồn thu nhập khá ổn định.

Ông Nhan Ra Ni, Bí thư Đảng ủy xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây màu xuống chân ruộng mía đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân tại địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, xã đã chuyển đổi trên 980 ha trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác và nuôi thủy sản.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm