Trà Vinh chuyển đổi mô hình quản lý 35 chợ

Theo Ban Chỉ đạo phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý từ Ban Quản lý chợ hoặc UBND cấp xã quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý tại 35 chợ trên địa bàn; trong đó, thành phố Trà Vinh có 3 chợ, huyện Càng Long 7 chợ, huyện Châu Thành 3 chợ, huyện Trà Cú 5 chợ, huyện Tiểu Cần 2 chợ, huyện Cầu Kè 5 chợ, thị xã Duyên Hải 3 chợ, huyện Duyên Hải 3 chợ và huyện Cầu Ngang 4 chợ.

 

Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2015-2020, tỉnh chuyển đổi mô hình quản lý 51 chợ. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh chỉ mới hoàn thành chuyển đổi 19 chợ. Có nhiều nguyên nhân gây khó khăn việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ không đạt kế hoạch đề ra.Cụ thể, trong quá trình chuyển đổi, địa phương gặp vướng mắc trong xử lý tài sản và thủ tục đấu thầu; nhiều địa phương chưa chủ động trong việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi, chưa xây dựng phương án chuyển đổi. Cùng đó là khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đầu tư khai thác, quản lý do đa phần các chợ trên địa bàn tỉnh là chợ hạng 3 có quy mô diện tích nhỏ, ít hộ kinh doanh nên khó kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng - Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ tỉnh Trà Vinh cho biết, chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm nâng hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng sức giao thương hàng hóa, xây dựng mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trở thành mô hình hoạt động thương mại văn minh, nâng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Mô hình mới có khả năng huy động các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm, từng bước xã hội hóa hoạt động phát triển và quản lý chợ, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua, các chợ được chuyển đổi đã huy động được 26 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ. Các sở, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi cho các chợ.

Các đơn vị lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực quản lý, tài chính để đảm bảo việc chuyển đổi hiệu quả; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đất đai, bảo vệ môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, thủ tục cấp phép xây dụng…; tuyên truyền, vận động đến các hộ tiểu thương, hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện - ông Nguyễn Trung Hoàng yêu cầu.

Tỉnh Trà Vinh có 116 chợ được phân hạng (2 chợ hạng I, 9 chợ hạng II, 105 chợ hạng III); trong đó, 12 chợ do doanh nghiệp quản lý và 10 chợ do hợp tác xã quản lý, 4 chợ do hộ kinh doanh quản lý; các chợ còn lại do ban quản lý và UBND cấp xã quản lý.

Thanh Hòa

Tin liên quan

Đặc sắc chợ phiên Sin Suối Hồ đầu năm mới

Đặt chân đến mảnh đất xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, mà còn được thưởng thức những phong tục, tập quán độc đáo, trong đó có phiên chợ của đồng bào dân tộc Mông nơi biên cương Tổ quốc.


Chợ phiên cuối năm ở vùng cao Hà Giang

Chợ phiên là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang. Chợ phiên càng trở nên đặc sắc hơn vào phiên cuối năm, trong đó không thể không nhắc đến chợ thị trấn Đồng Văn, chợ Mèo Vạc, chợ Lũng Phìn, chợ Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ Phố Bảng…


Chương trình “Chợ nhân đạo” tại vùng biên Mường Lát

Ngày 18/1, tại xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, Hội Chữ thập đỏ Thanh Hóa phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Liên Chi đoàn phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, huyện Mường Lát và các nhà tài trợ đã tổ chức Chương trình “Chợ nhân đạo” cho nhân dân vùng biên giới xã Quang Chiểu (Mường Lát).


Nhộn nhịp chợ trâu, bò lớn nhất vùng Bắc Trung bộ

Đối với mỗi người dân, chợ không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn mang đậm bản sắc văn hoá đặc trưng của từng vùng miền. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, không khí Tết ở chợ Ú xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An - chợ trâu, bò lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ đã diễn ra nhộn nhịp, rộn rã như có hội.



Đề xuất