Trà Vinh chuyển đổi gần 1.890 ha sang cây trồng có hiệu quả

Trong 9 tháng năm 2021, nông dân tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi gần 1.890 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất mương vườn tạp, đất trồng mía sang các loại cây khác và nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập bình quân từ 120 – 300 triệu đồng/ha/năm. 

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong số diện tích đã chuyển đổi sản xuất được nông dân chọn cây trồng chủ yếu là rau màu, dừa và trồng cỏ nuôi bò chiếm hơn 1.530 ha. Số diện tích đất còn lại được nông dân chuyển sang nuôi cá, tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất mía, đất lúa kém hiệu quả ở Trà Vinh hiện có mô hình trồng cỏ nuôi bò đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh. Nhiều nhất là tại huyện Trà Cú, với diện tích hơn 657 ha đất trồng mía chuyển sang trồng cỏ cho thu nhập ổn định từ 170 – 200 triệu đồng/ha/năm.

Tra Vinh chuyen doi gan 1.890 ha sang cay trong co hieu qua hinh anh 1Nông dân Trà Vinh chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ông Thạch Chính, ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú cho biết, gia đình ông bỏ 0,2 ha đất trồng mía để trồng các loại cỏ voi, cỏ sả, cỏ lông tây làm nguồn thức ăn chăn nuôi 4 con bò cái sinh sản. Với năng suất cỏ đạt bình quân khoảng 160 tấn/ha/năm, gia đình ông thu hoạch dư nuôi đàn bò gia đình. Từ đầu năm đến nay, đàn bò lần lượt sinh sản được 4 con bê con, dự tính đến cuối năm ông Thạch Chính bán đàn bê con ít nhất được 60 triệu đồng. Nếu so với trồng mía trước đây lợi nhuận cao gấp 5 lần.

Ông Thạch Chính cho biết thêm, hiện ở Trà Cú có hàng trăm hộ nông dân chuyển đổi đất lúa bị nhiễm phèn, đất trồng mía không có bờ bao ngăn triều cường, đất bị bạc màu sang trồng cỏ để bán cho các hộ chăn nuôi bò, dê theo qui mô trang trại. Bình quân, giá thu mua cỏ đem đến tại trang trại 1.100 đồng/kg. Với giá cỏ này, nông dân trồng 1 ha cỏ bán cho mức lợi nhuận từ 120 – 140 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Đồng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, qua 4 mùa vụ liên tiếp nông dân trồng mía ở địa phương đều bị thua lỗ vì giá mía thấp. Toàn vùng nguyên liệu mía hơn 5.000 ha hiện tại còn lại chưa đến 1.500 ha. Điều phấn khởi là đến nay nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các cây trồng khác như lúa, rau màu, trồng cỏ, trồng dừa và nuôi thuỷ sản được hơn 2.850ha đều cho thu nhập ổn định và khá cao.

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi 21.690 ha đất vuông vườn tạp, đất trồng mía, đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác.

Diện tích đất sản xuất chuyển đổi được nông dân chọn cây trồng nhiều nhất là cây hàng năm chiếm hơn 13.000 ha, cây ăn trái 5.250 ha, số còn lại được bố trí nuôi thuỷ sản.

Phúc Sơn

Tin liên quan

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng kết hợp nuôi trồng thuỷ sản ở Bình Thuận

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng hạn hán, nông dân ở Bình Thuận đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác. Việc chuyển đổi đã hạn chế phần nào tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước sản xuất mà còn góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Tiền Giang chuyển đổi cây trồng thích ứng hạn, mặn

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, đe dọa sản xuất và đời sống, nông dân các huyện đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) là Cai Lậy, Cái Bè đang tích cực chuyển đổi cây trồng, thích ứng hạn, mặn và giảm nhẹ thiên tai, tập trung đưa cây màu xuống chân ruộng, trồng cây ăn quả đặc sản hoặc luân vụ lúa + màu nhằm phá thế độc canh cây lúa.


Nông dân trồng hồ tiêu ở Phú Yên gặp khó khi chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, nhiều diện tích bị nhiễm bệnh, chết nhanh, chết chậm khiến đời sống của người trồng tiêu ở Phú Yên gặp khó khăn, tại nhiều địa phương nông dân đang có xu hướng phá bỏ loại cây trồng này. Thế nhưng, việc tìm cây trồng khác thay thế phù hợp, ổn định đầu ra, tạo sinh kế bền vững đang là bài toán chưa có lời giải của nông nông dân trồng tiêu và chính quyền địa phương.


Thu nhập cao từ chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, một số nông dân đã chuyển đổi từ vườn cây tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng cây roi (mận), nhờ đó, họ đã có thu nhập cao, ổn định kinh tế gia đình.


Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang khuyến khích nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm dần diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao.



Đề xuất