Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Ứng dụng sinh trắc học để chống trục lợi bảo hiểm xã hội

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Ứng dụng sinh trắc học để chống trục lợi bảo hiểm xã hội

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm là hai trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng được Chính phủ ưu tiên triển khai. Đánh giá về việc kết nối hai cơ sở dữ liệu quan trọng này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua, hai ngành Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, với tinh thần làm việc khẩn trương, tích cực, trách nhiệm, đúng quy định, đúng quy trình và đạt được kết quả bước đầu trong việc kết nối chia sẻ dữ liệu.

*Ông có thể thông tin đôi nét về kết quả kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm?

- Thời gian qua, trên tinh thần làm việc khẩn trương, tích cực, trách nhiệm của hai ngành Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc kết nối hai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã đạt được những kết quả bước đầu.

Về kết quả đạt được, chúng tôi thấy kết quả nổi bật và rất có ý nghĩa đối với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đó là, thứ nhất là đã đồng bộ được dữ liệu, qua đó rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đầy đủ và chuẩn hóa. Thứ hai là xác thực được thông tin của công dân khi tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Hiện hai ngành Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tự động xác thực, đẩy dữ liệu sang nhau để xác thực. Đến nay, có thể khẳng định rằng, dữ liệu công dân đảm bảo là dữ liệu sống và dữ liệu sạch. Dữ liệu của hàng chục triệu người dân đang được xác thực và đồng bộ.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, chúng tôi đã bước đầu rà soát các thủ tục hành chính của người dân đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cắt bỏ các quy trình, thủ tục không cần thiết khi dữ liệu đã được đồng bộ. Người dân bớt phải thực hiện kê khai các thủ tục vì đã có dữ liệu sẵn trong cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

*Việc đồng bộ dữ liệu này sẽ mang lại những cải cách như thế nào khi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số?

- Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ cơ sở dữ liệu được kết nối, đồng bộ, chúng tôi rà soát để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân, cắt giảm các thủ tục không cần thiết khi người dân đến tương tác, giao dịch, thực hiện các dịch vụ, thủ tục với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ví dụ như các giấy tờ tùy thân kèm theo khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi đồng bộ dữ liệu rồi thì có thể cắt bỏ các thủ tục này. Việc sử dụng thẻ căn cước công dân khi làm các thủ tục về bảo hiểm xã hội cũng không cần thiết nữa, không phải kèm theo giấy tờ tùy thân.

Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về dân cư và dữ liệu về bảo hiểm xã hội ngoài ý nghĩa phục vụ cho việc triển khai các nghiệp vụ của ngành, còn có một ý nghĩa hết sức to lớn, đó là đồng bộ và hoàn thiện các dịch vụ về cơ sở dữ liệu để sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân.

*Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu này như thế nào, thưa ông?

- Trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng với Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu. Trong đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, đối chiếu, xác thực, chuẩn hóa và đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để hoàn thiện các thông tin gốc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng rà soát để hướng tới mã bảo hiểm xã hội và số thẻ bảo hiểm y tế có thể đồng bộ với số thẻ căn cước công dân đã gắn chip mà Bộ Công an đã và đang triển khai. Khi đã đồng bộ, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thẻ bảo hiểm y tế để đi khám, chữa bệnh, hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm điện tử trên ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Điều này mang lại rất nhiều tiện lợi cho công dân.

Một điểm nữa mà chúng tôi hết sức quan tâm và sẽ triển khai, đó là trên cơ sở hệ thống dữ liệu đã được đồng bộ, chuẩn hóa, sạch và khá đầy đủ, chúng tôi sẽ ứng dụng các sinh trắc học, các phần mềm nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để nhận diện, giám sát, kiểm tra, quản lý, chống trục lợi, lãng phí trong việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm