Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Số hộ không có nhà ở giảm 10 lần

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Số hộ không có nhà ở giảm 10 lần
Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Danh Lam-TTXVN
 Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Danh Lam-TTXVN
Sau 10 năm, tình trạng hộ không có nhà ở đã giảm 10 lần, từ mức 4,7 phần mười nghìn năm 2009 xuống còn 0,47 phần mười nghìn năm 2019. Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ chiếm một phần nhỏ (6,9%), giảm 8,2 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn gần 8 điểm phần trăm so với khu vực thành thị (lần lượt là 9,7% và 1,8%) Đa số hộ không có nhà ở là những hộ sống ở ghe, thuyền,… không đủ điều kiện về cấu tạo của ngôi nhà/căn hộ để ở (3 bộ phận: tường, mái, sàn). Ngoài ra, có 310 người lang thang cơ nhỡ tại 10 tỉnh, thành phố đã được thu thập thông tin trong cuộc Tổng điều tra này, đây là những người không có nhà ở. Như vậy, có tổng số 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam trao tiền hỗ trợ "Nhà mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên Nguyễn Thị Đông. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam trao tiền hỗ trợ "Nhà mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên Nguyễn Thị Đông. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,2m2/người, tăng 6,5m2/người so với năm 2009. Khoảng hơn một phần ba số hộ (chiếm 34,4%) sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người từ 30m2/người trở lên. Theo đó, vẫn còn gần 7% hộ dân cư (tương ứng với khoảng 7,7 triệu người) đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 8m2/người; trong đó, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ có diện tích bình quân đầu người dưới 8m2 ở Đông Nam bộ là cao nhất (16,3%), ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là thấp nhất (3,8%). Hiện có 11,7% hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 7,1%). Đặc biệt, tại các địa phương đông dân cư và tập trung nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ đi thuê/mượn cao hơn các địa phương khác như tỉnh Bình Dương (56,5%), Thành phố Hồ Chí Minh (32,8%), tỉnh Bắc Ninh (27,0%), thành phố Hà Nội (15,8%). Tỷ lệ hộ sống trong những ngôi nhà thuê/mượn ở khu vực thành thị cao gấp gần 3,5 lần so với khu vực nông thôn. Đa số các hộ dân cư đang sống trong các ngôi nhà/căn hộ được xây dựng và bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay (76,8%, tương đương 20,6 triệu hộ). Trong đó, 37,1% hộ sống trong các ngôi nhà/căn hộ mới được xây dựng trong vòng 10 năm trước thời điểm Tổng điều tra (tương ứng khoảng 10 triệu hộ), thấp hơn 1,2 triệu hộ so với năm 2009. Tuy vậy, trên cả nước vẫn còn gần 195.000 hộ (tương ứng 0,7% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây 21 đến 44 năm và trên 19.000 hộ (tương ứng 0,07% số hộ có nhà ở) đang sống trong các ngôi nhà đơn sơ được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây trên 45 năm. “Điều này cho thấy, mặc dù tình trạng nhà ở của hộ dân cư đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn những hộ phải sống trong các ngôi nhà có chất lượng kém với tuổi thọ quá dài so với mức độ an toàn theo quy định.”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết. Tổng cục Thống kê cho biết, điều kiện ở và sinh hoạt của hộ dân cư cũng được cải thiện rõ rệt, có 99,4% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng, tăng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2009. Toàn bộ các hộ dân cư khu vực thành thị đã được tiếp cận với điện lưới thắp sáng nhưng còn gần 1% số hộ dân cư khu vực nông thôn (trên 172.000 hộ) chưa được tiếp cận điện lưới. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 97,4%; trong đó 52,2% hộ sử dụng nguồn nước máy. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 99,6%, ở khu vực nông thôn là 96,3%...
Thúy Hiền

Có thể bạn quan tâm