Tôn vinh sức mạnh của bảo tàng trong đời sống

Tôn vinh sức mạnh của bảo tàng trong đời sống

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày 11/5 cho biết: Chủ đề ngày của Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) năm nay là “Sức mạnh của các bảo tàng”, nhằm tập trung khám phá tiềm năng của các bảo tàng trong việc tạo ra thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua 3 khía cạnh.

Tôn vinh sức mạnh của bảo tàng trong đời sống ảnh 1Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm đến thu hút du khách. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN

Đầu tiên là sức mạnh của sự bền vững, Các bảo tàng là đối tác chiến lược trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Bảo tàng đóng góp vào thực hiện nhiều mục tiêu, bao gồm thúc đẩy nền kinh tế xã hội, phổ biến thông tin khoa học về các thách thức môi trường.

Tiếp theo là sức mạnh đổi mới về số hóa và khả năng tiếp cận. Các bảo tàng đã trở thành sân chơi sáng tạo, nơi công nghệ mới được phát triển và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đổi mới kỹ thuật số có thể làm cho các bảo tàng dễ tiếp cận để hấp dẫn hơn, giúp công chúng hiểu được các khái niệm phức tạp và đa sắc thái.

Thứ ba là sức mạnh xây dựng cộng đồng thông qua giáo dục. Cụ thể là thông qua các bộ sưu tập và chương trình, bảo tàng đã tạo thành một sợi dây kết nối thiết yếu, cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người…

“Sức mạnh của các bảo tàng” cũng là chủ đề của Hội nghị ICOM lần thứ 26 diễn ra tại Prague (Cộng hòa Czech) - sự kiện toàn cầu quan trọng nhất dành riêng cho các bảo tàng cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Từ năm 1948, ngày càng có nhiều đại biểu khắp thế giới tham gia hội nghị để cùng thảo luận và chia sẻ ý kiến liên quan đến các vấn đề của bảo tàng. Năm nay cũng là lần đầu tiên, Hội nghị ICOM cung cấp cho người tham gia trên khắp thế giới quyền truy cập từ xa nhằm tiếp cận đầy đủ chương trình khoa học…

Ở Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, nhằm bảo tồn, nghiên cứu và giới thiệu một cách đầy đủ, toàn diện tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc. Bảo tàng cũng chính là cầu nối giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá Việt Nam ra thế giới, đồng thời giới thiệu các nền văn hóa trên thế giới với công chúng nước nhà.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn thể hiện rõ vai trò trong quá trình thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật cho tới trưng bày, diễn giải và quảng bá về lịch sử - văn hóa của Việt Nam. Bề dày tri thức tích lũy đó đã khiến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trở thành một trong những “ngân hàng dữ liệu” uy tín về lịch sử, văn hóa Việt Nam, trung tâm kết nối, giới thiệu di sản văn hoá với các bảo tàng trong, ngoài nước.

Việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu trưng bày cũng được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chú trọng bởi việc này là xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại. Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ với nhiều hình thức khác nhau trong hoạt động bảo tàng và trở thành bảo tàng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, nhất là trong hoạt động giới thiệu trưng bày. Có thể kể đến hệ thống thuyết minh tự động (audio guide), bảo tàng ảo 3D, trải nghiệm, tương tác tìm hiểu lịch sử bằng công nghệ. Năm 2020, bảo tành tiếp tục thử nghiệm các ứng dụng QR code, AR (Augmented Reality - thực tế ảo tăng cường)…

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm