Tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn

 Tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn

Ngày 10/12, UBND huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: Lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn được tổ chức tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Thượng vào ngày 19/12 (tức ngày 6 tháng 11 âm lịch) với nhiều nghi lễ truyền thống.

 Tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn ảnh 1 Lễ dâng hưởng tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn. Ảnh: TTXVN

Lễ dâng hương gồm: Nghi thức khai mạc, rước kiệu từ cốt 1.100 (Vườn quốc gia Ba Vì) lên Đền Thượng cốt 1.200, tấu sớ, dâng Chúc văn với nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa với sự tham gia của đông đảo nhân dân huyện Ba Vì. Đây là hoạt động tín ngưỡng điển hình về tục thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương, hàng năm vào ngày mùng 6 tháng 11 âm lịch là ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn. Lễ dâng hương là hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn và tâm linh, tỏ lòng ngưỡng kính Đức Thánh và tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Huyện Ba Vì thống nhất duy trì lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn hàng năm, xây dựng thành hoạt động văn hóa ý nghĩa của huyện.

 Tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống tưởng niệm Đức Thánh Tản Viên Sơn ảnh 2Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức tại đền Trung. Ảnh: TTXVN

Năm nay, Lễ tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh thực hiện trên núi Ba Vì, là núi Tổ của đất Việt, bởi ngọn núi này gắn liền với huyền thoại về Đức Thánh Tản Viên Sơn  - Vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt. Nơi đây, có ba ngôi đền thờ Đức Thánh là đền Thượng, đền Trung, đền Hạ có niên đại khởi dựng từ rất lâu đời.

Việc tổ chức lễ hội liên quan đến thờ phụng Đức Thánh đã được chính quyền và nhân dân duy trì từ xa xưa. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn không chỉ thực hiện ở ba ngôi đền trên núi Ba Vì mà còn bao trùm một vùng không gian văn hóa rộng lớn khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong đó đậm đặc nhất là vùng Xứ Đoài (mà vùng lõi là huyện Ba Vì). Thực tế cho thấy, chỉ tính trên địa bàn huyện Ba Vì có gần 400 di tích, thì trong đó có trên 100 di tích thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn với rất nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và cấp thành phố. Điều đó, phần nào khẳng định công trạng to lớn của Đức Thánh đối với nhân dân, đất nước. Ngài không chỉ là vị Thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà Đức Thánh còn được nhân dân suy tôn là Đệ Nhất Phúc Thần, Thượng đẳng tối linh thần và là vị Anh hùng dân tộc, anh hùng khai điền trị thủy, anh hùng khai sáng văn hóa của dân tộc ta từ thủa dựng nước. Với giá trị di sản văn hóa to lớn đó, ngày 30/1/2018, Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đinh Thuận

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm