Tình nguyện “gieo chữ” nơi vùng khó

Tình nguyện “gieo chữ” nơi vùng khó
Tình nguyện “gieo chữ” nơi vùng khó

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đắk Lắk, thầy Y Lũa về nhận công tác tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Đắk Phơi, huyện Lắk). Sau đó thầy tình nguyện về giảng dạy tại Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (xã Đắk Nuê) cách nhà hơn 20 km khi xã Đắk Phơi tách ra khỏi xã Đắk Nuê. Đầu năm 2014, nhà trường thành lập điểm trường lẻ tại thôn Đắk Sar, cách điểm trường chính khoảng 5 km, dù lớn tuổi (sinh năm 1960), thầy Y Lũa xung phong về đó công tác. Cũng như ngày đầu mới bước vào nghề, thầy Y Lũa tận tụy bám trường, bám lớp để đem cái chữ đến với học trò ở vùng sâu, vùng xa. Thầy Y Lũa cho biết: “Điểm trường lẻ Đắk Sar có 199 học sinh, với 8 lớp học, nhưng không đủ cơ sở vật chất phải mượn 2 phòng học của điểm lẻ Trường Mầm non Hoa Cúc để tổ chức lớp học. Thầy, cô giáo nhà ở xa trường, tận dụng nơi để đồ dùng học tập, đồ chơi của 2 phòng học này làm chỗ ở. Khó khăn trong công tác giảng dạy ở đây còn là sự bất đồng về ngôn ngữ. Phần lớn là người dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào nên kinh tế rất khó khăn; nhận thức về việc cho con em đi học để biết chữ hạn chế; tỷ lệ học sinh ra lớp thấp, số học sinh yếu nhiều". Để duy trì sĩ số học sinh, thầy Y Lũa cùng các thầy, cô giáo ở điểm trường Đắk Sar đã tìm nhiều phương pháp để “giữ chân” các em. Ngoài xây dựng, giữ mối liên hệ mật thiết với ban tự quản thôn để làm “cầu nối” với phụ huynh, các thầy, cô còn tự học tiếng Mông, Tày để giao tiếp, vận động các em đến trường, đồng thời vận dụng trong quá trình giảng dạy, giúp các em dễ hiểu bài hơn.
 

Cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tận tình hướng dẫn học sinh lớp 1 tập đọc.
Cô giáo Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tận tình hướng dẫn học sinh lớp 1 tập đọc.

Một khó khăn nữa mà các thầy, cô giáo ở điểm trường lẻ Đắk Sar gặp phải là gia đình học sinh ở không tập trung mà chủ yếu bám theo các sườn đồi, núi, nên việc gặp gỡ phụ huynh để vận động các em đến trường rất khó. Còn nhớ năm học trước, có một học sinh bỏ học, thầy Y Lũa phải nhờ các bạn học cùng lớp đưa đến nhà và dù đã cố gắng thuyết phục, vận động song vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của phụ huynh. “Tôi bảo nó rồi, nó nói không muốn đi học nữa”. Không bỏ cuộc, thầy Y Lũa nhờ cán bộ thôn cùng đi đến nhà thuyết phục phụ huynh em học sinh ấy lần nữa. “Sáng hôm sau, vừa vào lớp, thấy em học sinh bỏ học đang ngồi chép bài, tôi mừng không thốt nên lời”, thầy Y Lũa thổ lộ.

Năm học 2014-2015, ngành Giáo dục triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư mới, công việc của các thầy, cô giáo ở điểm trường lẻ Đắk Sar bận rộn hơn. Với cương vị là điểm trưởng, thầy Y Lũa cùng các thầy, cô giáo đã giải thích cặn kẽ những thay đổi của Bộ GD-ĐT giúp phụ huynh hiểu, từ đó phối hợp cùng nhà trường giáo dục các em tốt hơn. Ghi nhận những cống hiến trong hơn 30 năm qua của thầy Y Lũa đối với công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, ngành GD-ĐT các cấp, UBND huyện Lắk đã tặng thầy Y Lũa nhiều giấy khen; mới đây thầy vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ X (2015-2020). Với thầy giáo Y Lũa phần thưởng ý nghĩa nhất là có nhiều học sinh dân tộc thiểu số do mình dạy dỗ giờ là những sinh viên các trường cao đẳng, đại học và tự hào hơn vì nay đã có em học sinh trở thành đồng nghiệp đứng cùng bục giảng và có cùng tâm huyết gắn bó với vùng đất nghèo để “gieo chữ”. Điều này làm cho “người giáo viên già” thấy ấm lòng, đầy hy vọng: “Không bao lâu nữa vùng đất nghèo này sẽ có thêm nhiều em học sinh thành đạt, có em sẽ trở về tiếp tục cống hiến”.

Kỳ công duy trì sĩ số học sinh

Gắn bó với Trường tiểu học Ea Sol (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) từ những ngày đầu thành lập đến nay, hơn ai hết thầy giáo Nay Lít, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1 hiểu khá tường tận khó khăn của phụ huynh, học sinh vùng sâu này. Vì vậy, không kể mùa nắng hay mùa mưa, mỗi khi đến lớp, sau khi kiểm tra sĩ số nếu thấy vắng học sinh nào thầy Nay Lít lại lấy xe chạy từ đầu buôn đến cuối buôn tìm đón các em đến lớp. Để động viên học sinh đi học chuyên cần, lúc thì thầy Nay Lít tặng các em cây bút, khi thì quyển vở, cái bánh, chiếc kẹo… Nhà của 23 em học sinh lớp 1A1 ở đâu thầy Nay Lít thuộc làu, thậm chí thầy còn biết rõ địa chỉ của một số học sinh trong trường thường xuyên vắng học.
 

Thầy và trò Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) trong giờ ra chơi.
Thầy và trò Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) trong giờ ra chơi.

Trường Tiểu học Ea Sol có gần 100% học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình trong xã còn nghèo, nên ít quan tâm đến chuyện học tập của con em mình mà thường “khoán” cho nhà trường. Là giáo viên người dân tộc Gia Rai nên thầy Nay Lít có nhiều thuận lợi hơn trong công tác giảng dạy, nhất là việc nói chuyện, vận động phụ huynh không để các em nghỉ học, nhờ vậy học sinh lớp 1A1 luôn đi học đông đủ. “Chưa tính đến chất lượng dạy học, để vận động được học sinh đến lớp, duy trì sĩ số đã là kỳ công của thầy, cô giáo ở đây”, thầy Ngô Văn Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Sol khẳng định. Song không phải lúc nào sĩ số cũng được duy trì, nhất là mùa thu hoạch cà phê. Thầy Nay Lít trầm tư: “Cứ hễ đến mùa thu hoạch cà phê lại có một vài em nghỉ học theo bố mẹ đi rẫy. Lo lắng hơn cả là có một số em nghỉ học để đi mót cà phê”. Nhà trường nhiều lần đưa vấn đề này ra thảo luận, thường xuyên nhắc nhở, vận động phụ huynh, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. “Nếu thầy, cô giáo không nỗ lực đưa các em tới trường thì cái nghèo còn đeo bám mãi. Để nâng cao dân trí, đẩy lùi lạc hậu cho đồng bào mình phải mang cái chữ đến với các em học sinh”, thầy Nay Lít quả quyết.

Báo Đắk Lắk điện tử

Có thể bạn quan tâm