Tình hình sạt lở diễn biến phức tạp tại Hậu Giang

Hiện trường vụ sạt lở sáng 8/6 tại thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: TTXVN phát
Hiện trường vụ sạt lở sáng 8/6 tại thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: TTXVN phát

Những ngày qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn biến phức tạp, từ ngày 5 đến sáng 8/6 đã xảy ra 11 vụ sạt lở trên địa bàn huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.

Tình hình sạt lở diễn biến phức tạp tại Hậu Giang ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở sáng 8/6 tại thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, ngày 5/6, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra 3 điểm sạt lở tại thị trấn Ngã Sáu, xã Đông Phước và xã Phú Hữu (huyện Châu Thành); ngày 6/6 có 4 điểm sạt lở tại xã Đông Phước, xã Phú Hữu (huyện Châu Thành) và xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A); ngày 7/6 xảy ra 3 điểm sạt lở tại xã Phú Tân, xã Phú Hữu (huyện Châu Thành).

Gần đây nhất, vào khoảng 3 giờ ngày 8/6, tại thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 17 m, sâu vào bờ 6 m, làm sụp 1 căn nhà của người dân, diện tích 87 m2.

Nguyên nhân sạt lở được xác định do ảnh hưởng dòng chảy. Các vụ sạt lở làm mất 1.785 m2 đất, gây ảnh hưởng nhà và đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Tình hình sạt lở diễn biến phức tạp tại Hậu Giang ảnh 2Hiện trường vụ sạt lở sáng 8/6 tại thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: TTXVN phát

Nhận được tin báo về các vụ sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã xuống hiện trường phối hợp Ủy ban nhân dân điều động lực lượng dân quân tự vệ, Công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang nhận định, tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Những năm gần đây dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra vào mùa mưa mà còn xuất hiện cả mùa khô. Những ngày tới, tốc độ dòng chảy tại các sông mạnh hơn, mưa đầu mùa với lượng tương đối lớn và tập trung, sinh dòng chảy mặt mạnh kết hợp với đất ở bờ sông, kênh đang tơi xốp, nứt, nẻ. Do đó, khả năng sạt, lở bờ sông, kênh, rạch với quy mô vừa và nhỏ ở mức độ cao, diễn biến phức tạp. Các địa phương có nguy cơ cao xảy ra sạt lở là huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành A.

Hằng năm, tỉnh Hậu Giang đều chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ; đồng thời huy động các lực lượng để khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang khuyến cáo, tình hình sạt lở thời gian tới được dự báo diễn biến phức tạp, do đó người dân khi phát hiện các dấu hiệu dòng nước xoáy sát, hàm ếch ở bờ sông, kênh, rạch, vết nứt sâu, dài hoặc có dấu hiệu sụt lún, sạt, lở bờ, cần nhanh chóng thông báo với chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 39 điểm sạt lở với chiều dài 902 m; diện tích mất đất 5.016 m2; ước thiệt hại trên 2,9 tỷ đồng.

Hồng Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm