Tình hình phá rừng diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk

Tình hình phá rừng diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk

Ngày 5/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 4/2022 về tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Phiên họp đã đánh giá, giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt đề cập đến các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm như tình trạng vi phạm lâm luật, các vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra trên địa bàn trong thời gian vừa qua.

Theo báo cáo tại phiên họp, lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 439 vụ vi phạm lâm luật, đã xử lý, tịch thu 66,017 m3 gỗ các loại, 70 phương tiện vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 877,586 triệu đồng. Riêng trong tháng 4/2022, trên địa bàn Đắk Lắk đã xảy ra 166 vụ vi phạm lâm luật, tăng 50 vụ so với tháng 3/2022.

Cũng trong tháng 4, liên tiếp các vụ phá rừng quy mô lớn chưa từng có bị phát hiện trên địa bàn. Điển hình như vụ phá hơn 382 ha rừng tại các tiểu khu 205, 222 trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp); vụ phá hơn 60 ha rừng để lấy đất sản xuất xảy ra tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk). Theo đánh giá, đây đều là các vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với vụ hủy hoại hơn 382 ha rừng tại huyện Ea Súp, lực lượng công an đang phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương khám nghiệm hiện trường, đến nay đã khám nghiệm được khoảng 130 ha trên tổng số 382 ha. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can, mở rộng điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với vụ phá rừng trên địa bàn huyện Lắk, đã xác định có 67 ha rừng bị phá, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Lắk tiến hành thu thập, củng cố, đánh giá chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

“Từ các hiện trường phá rừng cho thấy, rừng bị phá trong thời gian dài và diện tích rừng bị hủy hoại khá lớn. Tuy nhiên, chủ rừng, cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng chức năng như kiểm lâm sở tại, công an cơ sở rõ ràng là thiếu trách nhiệm khi rừng bị phá trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, dẫn đến diện tích rừng bị hủy hoại rất lớn”, Thiếu tướng Lê Vinh Quy cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Thực tế cho thấy tình hình phá rừng tại huyện Ea Súp trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vụ phá rừng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp có báo cáo đánh giá chi tiết, cụ thể về thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện, nhất là những khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng, từ đó tỉnh và các đơn vị liên quan sẽ tìm những biện pháp căn cơ, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh: Các vụ việc phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt tại huyện Ea Súp, huyện Lắk đang được Trung ương, dư luận xã hội quan tâm. Ngay sau khi phát hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó chỉ đạo huyện Lắk, huyện Ea Súp và các ngành chức năng tăng cường lực lượng để kiểm soát, xử lý tình trạng phá rừng trái phép. Thời gian tới, chính quyền các địa phương, các sở, ngành cần tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, cơ quan công an tập trung chỉ đạo sớm điều tra và xử lý hai vụ phá rừng quy mô lớn tại huyện Ea Súp và huyện Lắk.

Trước đó, TTXVN đã liên tục phản ánh về tình trạng phá rừng quy mô lớn xảy ra tại huyện Lắk và Ea Súp.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm