Tỉnh Đắk Lắk dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng hợp tác xã nông nghiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, Đắk Lắk dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về số lượng hợp tác xã nông nghiệp. Trong lộ trình phát triển nền nông nghiệp đa giá trị và trách nhiệm, tỉnh xác định phát triển hợp tác xã là vấn đề cốt lõi, là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Tinh Dak Lak dan dau khu vuc mien Trung - Tay Nguyen ve so luong hop tac xa nong nghiep hinh anh 1Hộ nông dân Phạm Minh Tĩnh ở buôn Ka Tam, xã xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có diên tích 1ha trồng cà phê liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng, mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Do đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng lẫn số lượng thành viên tham gia hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Việc phát triển các tổ chức của nông dân, nòng cốt là hợp tác xã sẽ khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; vừa tích tụ sản xuất tập trung, vừa tạo ra tính chuyên nghiệp trong sản xuất.

Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chứng nhận, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Đắk Lắk hiện có 718 hợp tác xã, thu hút khoảng 69.500 thành viên tham gia. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 22.500 người. Đến nay, cơ bản các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều tổ chức bộ máy và quản lý, điều hành theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã đã được nâng lên.

Những năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cán bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi nghỉ hưu có xu hướng quan tâm và nhiệt tình tham gia thành lập, quản lý hợp tác xã, qua đó mang lại nhiều khởi sắc trong tổ chức và quản lý đối với các hợp tác xã.

Doanh thu bình quân của hợp tác xã hiện khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 45 triệu đồng/ người/năm.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Dần cho biết, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh, hoạt động chủ yếu là sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản. Hợp tác xã nông nghiệp chiếm 68,9% hợp tác xã toàn tỉnh. Hiện nay, 5 công nghệ tiên tiến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh đang được sử dụng hiệu quả trong nước gồm: công nghệ vật liệu mới, công nghệ robot và tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp - áp dụng internet vạn vật (IoT).

Tuy nhiên, số hợp tác xã trên địa bàn áp dụng các công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp thông minh còn ít, chủ yếu chỉ tập trung đầu tư vào công nghệ tự động điều tiết nước tưới, máy bay không người lái phục vụ phun thuốc, sử dụng điện năng lượng mặt trời để sản xuất, làm mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc…

Ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm thì chưa được quan tâm. Phần lớn thành viên hợp tác xã chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số, ảnh hưởng đến năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, tiếp cận thị trường của hợp tác xã.

Ông Lê Văn Dần nhấn mạnh, từ thực trạng hoạt động hiện nay, điều cần thiết phải làm ngay là các hợp tác xã cần áp dụng giải pháp phù hợp để chuyển đổi số. Giải pháp trước mắt là toàn tỉnh cần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt và thành viên của hợp tác xã. Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho hợp tác xã; triển khai thí điểm các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng; phát triển các đơn vị giải pháp công nghệ, làm trung tâm kết nối các thành phần khác của hệ sinh thái nông nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.

Hoài Thu

Tin liên quan

Học cách tìm đầu ra nông sản chuyên nghiệp

Bắt nhịp cùng thị trường, nhiều hợp tác xã đã chuyển mình theo hướng chủ động, tự tìm đầu ra cho sản phẩm theo những phương thức mới hiện đại và chuyên nghiệp hơn thông qua xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức duy trì để bán những mặt hàng có sẵn, chưa đi liền với phát triển sản phẩm quy mô lớn nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý lúc này với vai trò cầu nối về xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu là việc làm cần thiết để sản phẩm của hợp tác xã tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.


Xúc tiến thương mại cho hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Ngày 1/12, tại tỉnh Thái Nguyên, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Kế hoạch hỗ trợ - Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã với sự tham gia của Liên minh Hợp tác xã 28 tỉnh, thành phố phía Bắc.


Ea Kar phát triển kinh tế tập thể

20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã phát triển ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc…


Ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hợp tác xã phải đổi mặt với những khó khăn do đại dịch, biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã phải chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất bền vững, xanh hóa và ít phát thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Đặc biệt, trong xu thế phát triển hiện nay, sản xuất xanh, ít phát thải và phát triển bền vững hiện đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi; trong đó có Việt Nam.


Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các hợp tác xã phải chủ động chuyển đổi số để tồn tại và phát triển

Sáng 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.



Đề xuất