Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của một số dân tộc ở Cao Bằng

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của một số dân tộc ở Cao Bằng
Bàn thờ của người Dao Tiền tại xã Hoa Thám (Nguyên Bình - Cao Bằng).
Bàn thờ của người Dao Tiền tại xã Hoa Thám (Nguyên Bình - Cao Bằng).
Đến mọi nhà của người Tày trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều thấy bàn thờ tổ tiên được đặt ngay gian giữa nhìn ra cửa chính thuộc phần trên của nhà, ở khoảng chính giữa của hai cột chính nóc nhà và được phân cách bằng tấm vách nơi đặt bàn thờ. Trên bàn thờ đặt bát nhang, bài vị, lư hương và những đồ cúng tế khác. Trên tấm liếp đằng sau bàn thờ được dán giấy đỏ, trên đó viết chữ Nôm Tày về dòng họ được thờ cúng. Trên bàn thờ thường đặt 3 bát hương chính (có nơi 5 bát hương), bát giữa kê cao hơn hai bát bên cạnh. Người Tày thường thắp hương vào ngày Tết Nguyên đán, Rằm tháng Bảy, ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch, ngày 5 tháng Năm âm lịch, ngày mùng 1 và 15 âm lịch hằng tháng, ngày cưới, ngày thượng thọ... Dù không có sự quy định kiêng kỵ cụ thể nào nhưng hầu như người Tày ở Cao Bằng rất ít hoặc không bày thịt trâu, thịt chó lên cúng bàn thờ tổ tiên. 
 
Bàn thờ của người Nùng có nhiều điểm tương đồng với người Tày. Nhưng nếu trong nhà có người làm tào, pụt, then... thì trên bàn thờ có dán một tờ giấy điều to viết chữ Hán người ta gọi là “sớ phi ham”. Ngoài những ngày thờ cúng tổ tiên thường xuyên trong năm, tại một số nơi, người Nùng còn có phong tục sửa bàn thờ tổ tiên cứ ba năm một lần vào tháng Giêng âm lịch. Thủ tục sửa bàn thờ khá cầu kỳ: Đến nhà thầy tào hoặc bụt xem ngày lành tháng tốt và mời thầy về làm lễ, đọc lời cầu phúc cho gia đình; bàn thờ được vệ sinh sạch sẽ và thay toàn bộ các đồ cũ bày trên bàn thờ... 
 
Người Mông ở Cao Bằng không lập bàn thờ cúng tổ tiên nhưng vẫn thắp hương tưởng nhớ ở gian chính giữa nhà. Khi thắp hương phải cắm vào chỗ dán giấy trên ván vách. Việc thắp hương tưởng nhớ tổ tiên của người Mông thường được quy định vào các ngày hằng năm: Mùng 1 tháng Giêng, mùng 5 tháng Ba âm lịch, mùng 5 tháng Năm âm lịch, ngày 15 tháng Bảy âm lịch, ngày mùng 5 tháng Chín âm lịch, 30 tháng Chạp âm lịch. Đồ để cúng là một con gà, miếng thịt lợn luộc. Sau đó, thắp hương và cắm vào chỗ dán giấy, đồng thời, rót rượu vào chén được làm bằng ống trúc, tiếp theo mời cơm bằng chõ (mà phèo).
 
Người Dao cũng lập bàn thờ ở giữa nhà như người Tày, Nùng nhưng có đại tự ghi rõ nguồn gốc lai cư của dòng họ. Mỗi bàn thờ chỉ đặt một bát hương và một chiếc chén bằng sứ, có dán giấy bản. Nhà nào là trưởng họ, trên bàn thờ có thêm chiếc trống nhỏ và thờ tranh ma. Dân tộc Dao có hai hình thức thờ cúng chính, đó là cúng tổ tiên (Bàn Hồ) và cúng Bàn Vương (Piền Hùng). Trong cúng Bàn Hồ, cúng đến 9 đời, thường thắp hương các ngày lễ, Tết và ngày mùng 1 hoặc 15 âm lịch hằng tháng. Thờ cúng Bàn Vương (Bàn Vương là một nhân vật huyền thoại của người dân tộc Dao có công và bảo trợ cho người Dao nên họ tin Bàn Vương có liên quan đến số phận từng gia đình, dòng tộc, do đó cúng bái tốt để mọi người khỏe mạnh, gia tộc hưng thịnh), không lập bàn thờ riêng mà khấn chung với tổ tiên. Người Dao còn có phong tục cúng vào vụ trồng lúa, ngô tại nương, rẫy với ý niệm sẽ trừ được sâu bệnh, mong cho mùa màng tốt tươi.
 
Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những bài vị hình nhân bằng gỗ, vẽ mặt bằng than đen, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Bàn thờ người Lô Lô kê cao, chỉ đặt một bát hương cúng nhưng khá nhỏ nên không đặt nhiều đồ cúng lễ.
 
Theo ông Hoàng Văn Đời, 79 tuổi, dân tộc Sán Chỉ tại xóm Nà Dạn, xã Thượng Hà (Bảo Lạc - Cao Bằng) - làm thầy tào hơn 40 năm, người Sán Chỉ có hệ thống bàn thờ khá đồ sộ chia làm các tầng rõ ràng. Tầng cao nhất thờ Ma ham, tức là ma dòng họ hay còn gọi là ông tổ của dòng họ. Bàn thờ Ma ham được bố trí đơn giản, chỉ có bát hương. Với người Sán Chỉ thì đây là bàn thờ linh thiêng nhất, không ai được đụng vào trừ ngày lễ hoặc ngày có công việc lớn. Ở dưới bàn thờ Ma ham là bàn thờ Ngọc Hoàng thượng đế. Bàn thờ được trang trí bằng những tờ giấy đỏ che kín phía ngoài. Tầng ở dưới là tầng con người và muôn vật sinh sống. Tầng cuối cùng là tầng âm phủ. Theo người Sán Chỉ, các tầng này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh hệ thống bàn thờ đồ sộ và linh thiêng, trong nhà người Sán Chỉ còn có nhiều vị trí đặt bàn thờ khác. Để canh quỷ dữ không cho vào nhà, người ta thờ môn thần tại cửa. Trong buồng, người ta thờ ma buồng, thậm chí thờ bà Mụ để lo toan sức khỏe của phụ nữ và những đứa trẻ trong gia đình. 

Mỗi dân tộc với các nhóm, ngành khác nhau, như: Người Tày có Tày Đeng, Tày Ngạn và Tày Lưu Quan; người Nùng có Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phản Sình...; người Mông có Mông Trắng (Mông Đâư), Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Đú)... lại có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ cúng bái khác nhau, bởi mỗi ngành, nhóm của một dân tộc có lịch sử hình thành, phát triển, tập quán riêng nên trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng sẽ có những nét riêng biệt. 
 
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cho đến nay vẫn tồn tại phổ biến và chi phối mạnh đến mọi mặt đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... ở Cao Bằng, chứa đựng nét văn hóa trong đời sống tâm linh và thể hiện quan niệm nhân sinh. Do đó, tín ngưỡng này cần được tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và khai thác những yếu tố có giá trị tích cực để xây dựng đời sống mới.                 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm