Các tỉnh Tây Bắc nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công

Chỉ số PAPI là tên gọi tắt của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam. Đây là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy Nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyển các cấp. Chỉ số này góp phần tạo động lực để lãnh đạo, cán bộ công chức căn cứ vào đó tự đánh giá mình và nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, cung ứng dịch vụ công với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. 

Bằng các báo cáo thực hiện rất chi tiết, khoa học, các diễn giả từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực đã đánh giá kỹ lưỡng về chỉ số PAPI của các tỉnh thành trong cả nước nói chung và của khu vực Tây Bắc nói riêng. Nhiều nội dung được đánh giá sâu như: vấn đề tham gia của người dân ở cấp cơ sở, hiệu quả trong huy động sự tham gia của người dân được đánh giá với số điểm cao nhất là tỉnh Hòa Bình, thấp nhất là Điện Biên; vấn đề công khai minh bạch, các tỉnh Tây Bắc có tên trong nhóm đạt điểm cao và trung bình cao; vấn đề trách nhiệm giải trình với người dân - tỉnh Lai Châu đứng trong nhóm đạt điểm thấp nhất, Điện Biên được lưu ý cần xem xét lại hiệu quả hoạt động của BanThanh tra nhân dân; vấn đề kiểm soát tham nhũng trong khu vực công - Hòa Bình được đánh giá tốt hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực. Trong khi đó người dân Điện Biên đánh giá chưa cao về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công… 
Ông Lê Văn Lân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thành viên Ban tư vấn Dự án cho rằng: PAPI có kết quả đánh giá rất khách quan bởi đây là ý kiến của người dân; khác với trước đây, việc đánh giá này do nội bộ tự thực hiện. Kết quả này đã giúp các tỉnh, các cơ quan công quyền soi vào “tấm gương phản chiếu” đó để biết mặt tốt, mặt xấu và tự hoàn hiện mình. Nhìn chung, kết quả chỉ số PAPI của 6 tỉnh Tây Bắc ở vị trí thấp hơn so với cả nước. Có thể đánh giá sơ bộ qua số điểm của các tỉnh từ cao xuống thấp là: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Điện Biên vẫn đứng cuối bảng trong cả nước, trên đó là Lai Châu. Chỉ số đánh giá về kiểm soát tham nhũng, các tỉnh Tây Bắc đạt số điểm thấp hơn các tỉnh phía Nam. 
Qua các ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất đề nghị tiếp tục tăng cường việc nghiên cứu kết quả chỉ số PAPI của các địa phương nhằm cải thiện bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, phục vụ nhân dân tốt hơn; Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được với kết quả khảo sát, điều tra này và tích cực tham gia ý kiến cải thiện bộ máy quản lý Nhà nước. Việc trình bày kỹ thuật các báo cáo đánh giá đã rất khoa học, chi tiết, song cần trình bày dễ hiểu hơn để tất cả các tổ chức và mọi người dân đều có thể tiếp cận và tham gia…/. 


Có thể bạn quan tâm