Tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh giúp người dân vùng biên Bình Phước phát triển kinh tế bền vững

Tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh giúp người dân vùng biên Bình Phước phát triển kinh tế bền vững

Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đã giúp nhiều hộ dân huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) phát triển kinh tế bền vững, ổn định cuộc sống.

Tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh giúp người dân vùng biên Bình Phước phát triển kinh tế bền vững ảnh 1 Ngân hàng chính sách xã hội Bù Gia Mập (Bình Phước) đồng hành cùng người nghèo, người dân gặp khó khăn tại địa phương. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Cùng với nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, kịp thời tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Tại xã đặc biệt khó khăn Phú Văn, gia đình bà Lê Thúy Nga phát triển kinh tế bằng việc làm bánh kem ở khu vực chợ xã đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, thu nhập không ổn định. Từ khi được tiếp cận vốn chính sách phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách huyện Bù Gia Mập 90 triệu đồng, bà Nga có thêm điều kiện mua vật liệu, trang thiết bị làm bánh. Hai năm qua, công việc kinh doanh của bà Nga đã phát triển thuận lợi. Bà làm thêm nhiều sản phẩm bánh ngọt mới, mang lại nguồn thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày. “Nhờ được vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Bù Gia Mập, gia đình tôi đầu tư mua thêm nhiều vật liệu, tăng số lượng sản phẩm. Tiệm bánh ngày càng phục vụ khách hàng tốt hơn, thu nhập tăng cao hơn”, bà Nga chia sẻ thêm.

Cửa hàng tạp hóa của vợ chồng anh Trần Văn Tiên ở xã đặc biệt khó khăn Bù Gia Mập trước đây chỉ có một vài mặt hàng thiết yếu do thiếu vốn đầu tư. Từ năm 2020, được hỗ trợ vay vốn hơn 100 triệu đồng từ chương trình vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập, gia đình anh Tiên đã mở rộng cửa hàng, kinh doanh thêm nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng biên giới.

Anh Trần Văn Tiên chia sẻ: Từ khi được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh được vay vốn kinh doanh sản xuất để đầu tư mở rộng cửa hàng tạp hóa, nhập hàng hóa đa dạng hơn để mà phục vụ nhu cầu cho bà con. Anh mong muốn chính sách vay vốn này được tiếp tục để hỗ trợ những hộ dân như gia đình anh có nguồn vốn phát triển kinh tế bền vững.

Chương trình vay vốn hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn thực sự đang mang “luồng gió mới” giải quyết bài toán kinh phí và giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế bền vững. Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho biết, sau khi được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách huyện Bù Gia Mập, bà con đã có điều kiện để phát triển kinh tế tốt hơn. Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ kịp thời nhu cầu của người dân; từ đó giúp các hộ thiểu thương phát triển về kinh doanh tốt hơn.

Hiện nay, tỉnh Bình Phước còn 5 xã đặc biệt khó khăn, trong đó huyện biên giới Bù Gia Mập có đến 3 xã. Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, huyện Bù Gia Mập đã triển khai lồng ghép đồng bộ nhiều chương trình, chính sách. Trong đó, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất kinh doanh là một trong những giải pháp đang mang lại hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện Bù Gia Mập có 2.212 hộ được tiếp cận nguồn vốn Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, với tổng dư nợ hơn 82 tỷ đồng.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết: Hộ vay khi được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có một kế hoạch trả nợ, trả lãi đúng theo quy định hợp đồng đã ký với ngân hàng. Kết quả tổng dự nợ hơn 82 tỷ đồng, không có nợ quá hạn. Nguồn vốn này đã giúp bà con mở rộng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu cao hơn trước.

Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được triển khai không chỉ giúp các hộ ở vùng biên giới Bình Phước có thêm điều kiện mở rộng kinh doanh, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chương trình từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng khó khăn, đặc biệt vùng có đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.



K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm