Tìm ra mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nghiên cứu mới đây trên hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện ở Ontario, Canada đã cho thấy mối liên quan giữa mức độ nghiêm trọng của việc mắc bệnh và ô nhiễm không khí nói chung. Giới chuyên gia cho rằng điều này càng củng cố thêm bằng chứng hiện có cho thấy ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng”.

Tim ra moi lien quan giua o nhiem khong khi va COVID-19 hinh anh 1Bảng yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 28/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 150.000 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Ontario, Canada vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu đã phân loại số bệnh nhân COVID-19 nhập viện, các ca phải chăm sóc đặc biệt (ICU) và số người tử vong. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu được phát triển trước đó, kết hợp hồ sơ giám sát không khí với các nguồn khác để lập các cấp độ mô hình trên khắp tỉnh Ontario về 3 chất ô nhiễm phổ biến - hạt mịn, nitrogen dioxide và ozone tầng mặt đất.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các phản ứng nghiêm trọng hơn với virus SARS-CoV-2 có liên quan đến mức độ tiếp xúc lâu dài với các chất gây ô nhiễm không khí.

Cụ thể, bệnh nhân tiếp xúc với lượng hạt mịn nhiều hơn 25%, thì nguy cơ nhập viện sau khi mắc COVID-19 tăng 6% và tỷ lệ phải vào ICU tăng 9%. Nhóm nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan nào giữa tỷ lệ tử vong và việc tiếp xúc với các hạt này. Đối với nitrogen dioxide, các kết quả liên quan đến các vấn đề trên thấp hơn. Tuy nhiên, đối với ozone tầng mặt đất, nghiên cứu cho thấy đối với các trường hợp tiếp xúc với chất này nhiều hơn 25%, thì nguy cơ nhập viện tăng 15%, nguy cơ vào ICU tăng 30% và tỷ lệ tử vong tăng 18%.

Những chất gây ô nhiễm trên đều được biết đến là chất gây kích ứng phổi và chức năng của phổi, trong khi COVID-19 là một căn bệnh có ảnh hưởng đến phổi.

Viết Tuân

Tin liên quan

Thiết bị lọc không khí có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 lơ lửng

Thiết bị lọc không khí có màng lọc HEPA hay máy khử trùng bằng tia cực tím (UV) có khả năng loại bỏ virus SARS-CoV-2 lơ lửng trong không khí. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra điều này khi thử nghiệm đưa các thiết bị này vào môi trường có virus SARS-CoV-2 như khu vực phòng bệnh và phòng chăm sóc đặc biệt COVID-19. Phát hiện này có ý nghĩa trong việc cải thiện độ an toàn của các khu vực phục vụ điều trị COVID-19.


Chuyên gia y tế khuyến cáo bảo vệ sức khoẻ khi ô nhiễm không khí vượt ngưỡng

Sáng 30/9, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, Hà Nội tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272 vào lúc 6 giờ 30. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người. Ô nhiễm không khí và bụi mịn khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe.



Đề xuất