Tìm ra cách bảo quản vaccine mà không cần để lạnh

Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Moderna tại Ginowan, Nhật Bản ngày 28/4/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Moderna tại Ginowan, Nhật Bản ngày 28/4/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Các chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia Australia mới đây đã phát triển thành công phương pháp bảo quản vaccine mà không cần để lạnh.

Tìm ra cách bảo quản vaccine mà không cần để lạnh ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Moderna tại Ginowan, Nhật Bản ngày 28/4/2021. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Trong nghiên cứu công bố ngày 22/2, nhóm chuyên gia thành viên Tổ chức Khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO), có trụ sở tại Australia, phát hiện ra rằng việc bọc vaccine sống giảm độc lực trong các khuôn tinh thể hữu cơ (MOFs) sẽ có thể giúp bảo quản nguyên trạng vaccine tối đa 12 tuần ở nhiệt độ lên đến 37 độ C. Nếu không được bảo quản trong tủ lạnh hoặc MOFs, vaccine sẽ chỉ duy trì nguyên trạng trong vài ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có ít nhất 50% lượng vaccine sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí vì những khó khăn trong vận chuyển và điều kiện bảo quản. Trong thông cáo báo chí, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm CSRIO Daniel Layton tái khẳng định việc tiêm phòng chính là một hình thức can thiệp y tế hiệu quả nhất, giúp bảo vệ mạng sống của hàng triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, việc chuyển vaccine, đặc biệt là tới các nước đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hệ thống bảo quản lạnh để đảm bảo chất lượng vaccine. Do đó, ông đánh giá nghiên cứu mới này là một bước đột phá giúp mở ra tiềm năng tiếp cận vaccine có giá cả hợp lý và công bằng hơn trên toàn cầu.

Theo các nhà nghiên cứu của CSIRO, MOFs - loại vật liệu tinh thể có thể hòa tan - sẽ bảo vệ hiệu quả các phân tử vaccine trước tác động của nhiệt độ. Nhóm nghiên cứu sau đó đã phát triển một giải pháp nhằm phân rã MOFs. Theo nhà khoa học cao cấp của CSIRO, bà Cara Doherty, MOF hoạt động như một giàn giáo bao quanh ngôi nhà, khi giàn giáo được dỡ bỏ ngôi nhà vẫn ở trạng thái bình thường. Tương tự, khi MOFs phân rã thì vaccine vẫn còn nguyên trạng.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung thử nghiệm cách làm này với những loại vaccine được phát triển dựa trên công nghệ mRNA. Chủ nhiệm công trình nghiên cứu Ruhani Singh cho rằng công nghệ này có giá cả phải chăng và có thể triển khai rộng. Theo chuyên gia, có hai cách phổ biến để bảo vệ vaccine trong điều kiện nhiệt độ cao. Một là chỉnh sửa vaccine, cách làm khá phức tạp và tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả thấp vì đôi khi chỉ có thể bảo quản vaccine trong chưa đầy một tuần ở điều kiện nhiệt độ cao. Hai là sử dụng các chất ổn định, nhưng cách làm này cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó phổ biến.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra cách giúp bảo quản vaccine bằng MOFs, một cách làm khá đơn giản, nhanh chóng và có thể thực hiện trên quy mô lớn. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục đạt những bước tiến mới và đang tìm đối tác để đưa công nghệ này ra thị trường.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm