Tìm lời giải cho bài toán xử lý rác thải ở nơi “Nóc nhà của Tây Nguyên”

Tìm lời giải cho bài toán xử lý rác thải ở nơi “Nóc nhà của Tây Nguyên”

Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Làng Cù Lần, Đà Lạt Tiên Cảnh, Quỷ Núi Suối Ma, Thung lũng vàng, Đồi Cỏ hồng, Cây thông cô đơn, đặc biệt là đỉnh Langbiang - nơi được coi là “Nóc nhà của Tây Nguyên” được nhiều khách du lịch tìm đến thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, huyện Lạc Dương đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, du lịch và nông nghiệp.

Tìm lời giải cho bài toán xử lý rác thải ở nơi “Nóc nhà của Tây Nguyên” ảnh 1Rác thải được chôn lấp rất sơ sài ở địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ảnh: baolamdong.vn

Việc thu gom rác tải của toàn huyện Lạc Dương hiện được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện. Toàn huyện rộng trên 1.300km2 với 57 điểm thu rác nhưng chỉ có 10 công nhân thuộc bộ phận thu gom rác, trong đó có hai lái xe, ba công nhân quét rác và 5 công nhân đi thu gom rác theo xe. Địa bàn huyện đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý hoặc lò đốt rác thải. Những năm qua, toàn bộ rác thải của huyện Lạc Dương đều phải chuyển tới Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt tại xã Xuân Trường. Điểm thu gom rác xa nhất của huyện Lạc Dương là đỉnh Hòn Giao, tiếp giáp với huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trên quốc lộ 27C. Từ đây, rác được chở vượt hơn 70km về thành phố Đà Lạt để đốt. Điểm thu gom gần nhất là thị trấn Lạc Dương cách Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Đà Lạt tới 30km. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động thu gom và giá thành để xử lý rác thải nông thôn của huyện.

Bà Trịnh Thị Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lạc Dương cho biết: Huyện có địa hình rộng, dân cư thưa thớt. Mỗi ngày, các công nhân phải thu gom tới 25 tấn rác thải, địa bàn trải dài 5/6 xã, thị trấn của huyện. Mỗi xe phải chạy hàng trăm km mới gom đủ một xe rác để đưa về nơi xử lý, tốn nhiên liệu và công sức cho 1 tấn rác thải. Khó khăn nhất là thu gom rác thải do những du khách thiếu ý thức, xả bừa bãi trong rừng. Trong khi đó, ngoài rác thải liên quan tới hoạt động du lịch, lượng chất thải sinh hoạt phải thu gom đang tăng mạnh theo từng năm do các khu dân cư trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Ngoài ra, với đặc thù là vùng sản xuất nông nghiệp lớn bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng, huyện Lạc Dương đang phải đối mặt với các loại chất thải độc hại liên quan tới vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không được thu gom, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và cuộc sống của người dân cũng như du khách.

Bà Trịnh Thị Thái mong muốn huyện Lạc Dương được đầu tư xây dựng lò đốt rác tại địa phương để đơn vị chủ động nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý kịp thời các loại rác thải; không để chất thải của người dân, du khách bị tồn đọng, ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan.

Những năm gần đây, lượng chất thải trên vùng đất Langbiang - nơi được coi là "nóc nhà của Tây Nguyên" liên tục tăng qua từng năm, nhất là chất thải do hoạt động của khách du lịch. Dọc tuyến Quốc lộ 27C, nối liền phố biển Nha Trang với phố núi Đà Lạt và các đồi thông tại xã Đạ Sar, Đa Nhim, xã Lát, thị trấn Lạc Dương…, tình trạng khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi hoặc tổ chức cắm trại qua đêm rồi bỏ lại chất thải tại chỗ ngày càng nhiều. Do địa bàn quá lớn, phân tán, lại không đủ lực lượng và phương tiện để kịp thời thu gom, chuyển đi xử lý, khi gặp trời mưa, các loại chất thải này thường theo dòng nước đổ dồn về những khu vực trũng, thấp, chảy ra ao, hồ; trong đó có hồ Suối Vàng, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho thành phố Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Lạc Dương thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lạc Dương tiến hành ra quân thu gom, vận chuyển rác thải đi tiêu hủy. Các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, du khách bỏ chất thải đúng nơi quy định để lực lượng chức năng thu gom, tránh ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường.

Được biết tháng 11/2020, UBND huyện Lạc Dương có Quyết định số 1276/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar. Đến tháng 12/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 10395/UBND-ĐC, chấp thuận ranh giới, diện tích thu hồi để xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar. Đầu tháng 5/2022, UBND huyện Lạc Dương có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn tại xã Đạ Sar trên diện tích 2,2ha; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng và vận hành. Lò đốt rác có công suất thiết kế xử lý 50 tấn rác/ngày với kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Nếu được triển khai, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ nâng cao hiệu quả, công suất thu gom, xử lý rác thải, giảm được chi phí vận chuyển xa như hiện nay. Trên thực tế, nhiều địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn đã triển khai các lò đốt rác tại chỗ thành công, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về xử lý rác thải môi trường.

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm