Tìm giải pháp tăng hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Tìm giải pháp tăng hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Ngày 29/3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo khoa học "Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới" trên địa bàn với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học đến từ các viện, trường Trung ương và địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh.

Tìm giải pháp tăng hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ảnh 1Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng nhận định, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước, được xác định tại Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013, Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính Trị; Luật Hợp tác xã năm 2021 và hệ thống các văn bản có liên quan.

Trên cơ sở những thành tựu trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp, nhìn nhận những cơ hội và thách thức, ưu điểm và hạn chế, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo các hợp tác xã cùng đánh giá thuận lợi và khó khăn, chia sẻ những bài học kinh nghiệm đúc kết được từ thực tiễn. Đồng thời, đề xuất những giải pháp giúp mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh phát triển một cách bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh nhà mạnh mẽ và đưa đến thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã phát triển được mạng lưới 172 hợp tác xã nông nghiệp với trên 41.000 thành viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động nông thôn. Các hợp tác xã chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, cung cấp nước sạch nông thôn, chăn nuôi gia súc – gia cầm, thủy sản,…

Tìm giải pháp tăng hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ảnh 2PGS.TS. Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 phát biểu. Ảnh: Minh Trí-TTXVN

Các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại Tiền Giang đa phần quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, khả năng cạnh tranh yếu. Cán bộ quản lý, điều hành thiếu năng động, nhạy bén trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Việc hợp tác liên kết chuỗi giá trị, hợp tác trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và các tổ chức bên ngoài chưa đi vào thực chất và mang lại hiệu quả như mong muốn. Một bộ phận nông dân chưa mặn mà với con đường làm ăn tập thể kiểu mới….

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay, trong thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025. Tỉnh cũng sẽ lồng ghép các chương trình hỗ trợ hợp tác xã khi triển khai thực hiện các chính sách của ngành như chính sách hộ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chính sách hộ trợ sản xuất an toàn, hỗ trợ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao,…

PGS.TS Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 đồng thời là Giám đốc Dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam chia sẻ, từ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại các nước tiên tiến trên thế giới thì trong phát triển kinh tế hợp tác ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung cần coi trọng việc phát huy vai trò liên kết giữa các hợp tác xã nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, thích ứng biến đổi khí hậu. Bởi, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng các hợp tác xã phải chuyển mình vươn lên, huy động tốt các nguồn lực nhằm chiếm lĩnh thị trường trong ngoài nước.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ góp ý, để khắc phục tình trạng nông sản hợp tác xã sản xuất ra tiêu thụ khó khăn cũng như tránh tình trạng “trúng mùa – mất giá” thường xuyên như thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động tiếp thị và tiêu thụ nông sản; mở rộng các dịch vụ cung ứng hàng hóa theo nhu cầu thị trường gắn kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, chú trọng hơn nữa các phúc lợi xã hội cho xã viên, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn…

Kỹ sư Nguyễn Văn Re, Hội Cơ khí Tiền Giang cho rằng, hiệu quả kinh tế - xã hội của các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp đã được khẳng định trong thực tế cuộc sống. Điều cần thiết hiện nay là tỉnh sớm có giải pháp nhân rộng những hợp tác xã tiên tiến, hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, giúp các hợp tác xã yếu kém vươn lên, từng bước phấn đấu không còn các hợp tác xã yếu kém trên lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.

Theo ông Võ Minh Luân, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, hợp tác xã chuyên doanh rau an toàn với 107 thành viên và 12 ha sản xuất đạt tiêu chí VietGAP.

Để giúp các thành viên an tâm sản xuất, hợp tác xã cam kết bảo đảm đầu ra cho rau màu trên cơ sở liên kết doanh nghiệp tiêu thụ, trong sản xuất chuyển giao quy trình canh tác VietGAP, tổ chức sản xuất các loại rau theo kế hoạch mùa vụ cụ thể…hợp tác xã đã tuyên truyền, vận động nông dân thành viên, phối hợp các cơ quan chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; quan tâm xây dựng, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản hàng hóa…


Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm