Tìm giải pháp phát triển ngành rong biển Việt Nam

Tìm giải pháp phát triển ngành rong biển Việt Nam

Chiều 2/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp phát triển ngành rong biển Việt Nam. Tại hội nghị lần này, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp phát triển ngành rong biển Việt Nam. Đặc biệt là hướng đến tăng giá trị sản phẩm rong biển bằng các mở rộng diện tích nuôi; mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng được chuỗi liên kết nuôi trồng - chế biến rong giữa doanh nghiệp với người dân.

Tiềm năng lớn để nuôi rong biển

Tại Việt Nam đã ghi nhận được 827 loài rong biển, thuộc 4 ngành là: rong Lam (88 loài), rong Đỏ (412 loài), rong Nâu (147 loài) và rong Lục (180 loài); trong đó, có 88 loài có giá trị kinh tế. Vùng Trung Bộ có tính đa dạng loài rong cao nhất trong cả nước, gồm: Quảng Ngãi 190 loài, Bình Định 78 loài, Phú Yên 169 loài, Khánh Hòa 516 loài, Ninh Thuận 121 loài, Bình Thuận 210 loài.

Từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai 8 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng để nghiên cứu phát triển rong biển; trong đó, các đề tài nghiên cứu tập trung vào việc điều tra, đánh giá các đối tượng có tiềm năng phát triển; lưu giữ và nhân giống rong biển; xây dựng mô hình trồng rong ghép với nuôi tôm sú, trồng phục hồi rong và chế biến rong biển. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai việc lưu giữ nguồn gen và nghiên cứu chọn tạo, nhân giống rong biển bằng nuôi cấy mô.

Theo nhiều nghiên cứu, diện tích có tiềm năng cho trồng rong ở Việt Nam khoảng 900.000 ha. Tuy nhiên, giai đoạn 2005 - 2018, diện tích trồng rong mới chỉ tăng từ 8.265 ha đến 10.150 ha. Sản lượng thu hoạch năm 2019 khoảng 120.000 tấn rong tươi. Diện tích và sản lượng trồng rong câu chiếm tỷ lệ cao nhất trong ngành rong biển; còn lại là các loài rong nho, rong sụn... Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 2.843 tấn rong biển, trị giá 4,47 triệu USD.

Theo ông Thái Ngọc Chiến, Trưởng Phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện đang thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học trồng rong biển như: công nghệ trồng rong sụn bằng dàn treo vùng nước cạn không có túi lưới, công nghệ trồng rong sụn ở vùng nước sâu bằng giai lưới, công nghệ trồng rong nho bằng thả đáy có lưới che trong ao, công nghệ trồng rong câu trong ao đầm nước lợ. Các mô hình này triển khai thực hiện ở một số địa phương bước đầu đem lại hiệu quả cao.

Hướng tới tăng giá trị sản phẩm rong biển

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần tập đoàn Nhựa Super Trường Phát cho biết, doanh nghiệp đã thử nghiệm các mô hình nuôi trồng rong hiệu quả tại một số địa phương. Riêng tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp đã làm việc với Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu đề xuất kết hợp với 20 hộ dân để liên kết trồng rong biển. Doanh nghiệp sẽ đầu tư hạ tầng, kỹ thuật nuôi trồng, cung cấp giống rong sụn và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm cho người dân với giá cao hơn thị trường; đồng thời, tham gia hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, người dân phải gắn trách nhiệm của mình vào sản lượng và chất lượng của sản phẩm.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm rong biển, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III sẽ phục tráng các loại giống có chất lượng cao để đáp ứng cho người dân. Các nhà khoa học cũng hướng dẫn người trồng rong cần chú trọng điều trị hai loại bệnh phổ biến là bệnh trắng nhũn than và bệnh tảo sợi phụ sinh.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh miền Trung có lợi thế đường bờ biển dài, phù hợp cho việc nuôi trồng các loại rong. Tuy nhiên, để việc nuôi trồng rong biển phát triển ổn định, người nuôi phải nghiên cứu để chọn tạo giống phù hợp các mục tiêu sản phẩm khác nhau là thực phẩm, y tế hay chăm sóc sắc đẹp.

"Quá trình nuôi trồng cũng phải tính toán rút ngắn thời gian, tăng sản lượng, đáp ứng chất lượng chế biến xuất khẩu. Việc chế biến sản phẩm rong cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải hướng đến sự đa dạng, đáp ứng nhu cầu hiện nay", ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục đồng hành cùng với doanh nghiệp và người dân để hình thành các chuỗi sản xuất rong biển. Cơ quan nhà nước sẽ tích cực nghiên cứu thị trường để tổ chức các vùng nuôi trồng rong phù hợp với từng các địa phương, phát huy được lợi thế từng vùng nước, vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa tạo được tính đa dạng sinh học, gắn phát triển du lịch.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm