Tìm giải pháp nâng cao năng lực thực thi TFA của Việt Nam

Tìm giải pháp nâng cao năng lực thực thi TFA của Việt Nam
Ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, TFA là hiệp định tạo thuận lợi thương mại có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia thành viên WTO.    

TFA tạo động lực cho các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan cũng như tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật giữa các nước thành viên. Nhờ đó, việc thông quan và giải phóng hàng hoá của doanh nghiệp sẽ được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi hơn nữa trên diện rộng.   

Theo các chuyên gia, để đảm bảo thực thi nghiêm túc các cam kết tại Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải có cơ chế điều phối liên ngành hiệu quả trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: Cán bộ Đội thủ tục biên phòng, Biên phòng cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh qua cổng thông tin điện tử biên phòng kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo thực thi nghiêm túc các cam kết tại Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải có cơ chế điều phối liên ngành hiệu quả trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: Cán bộ Đội thủ tục biên phòng, Biên phòng cửa khẩu cảng Thành phố Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh qua cổng thông tin điện tử biên phòng kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN.

Theo ông Nguyễn Toàn, trước và sau khi Việt Nam tham gia TFA, ngành hải quan đã thực hiện nhiều tiến trình cải cách, hiện đại hóa và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện đầy đủ các cam kết của mình trong TFA vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có tình trạng ngành hải quan phải kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ trong khi phạm vi thẩm quyền và số lượng nhân lực có giới hạn. Ngoài ra, các yếu tố khách quan như yêu cầu kiểm soát chuỗi cung ứng; phương thức sản xuất, vận chuyển và thương mại liên tục thay đổi cũng tạo ra nhiều khó khăn cho việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam.   

Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng, có một “khoảng cách” nhất định giữa các quy định và việc thực thi các quy định đó tại Việt Nam. Điều này thể hiện rõ qua thực tế là mặc dù hệ thống văn bản và quy định pháp luật của Việt Nam về cơ bản đều đã tương thích với các tiêu chuẩn của TFA nhưng việc thực thi các cam kết lại chưa đạt yêu cầu.   

Theo ông Âu Anh Tuấn, “khoảng cách” này được tạo ra bởi con người, bao gồm cả những hạn chế về năng lực và lợi ích riêng khi thực thi các quy định. Do đó, việc cải cách các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại phải gắn liền với việc nâng cao năng lực làm việc của nhân sự và cân bằng các nhóm lợi ích.   

Cùng quan điểm, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, các thủ tục hành chính về cấp phép, xác nhận chuyên ngành và quản lý biên mậu chiếm tới 76% thời gian xuất nhập khẩu, trong khi đó việc kiểm tra và thông quan chỉ chiếm 19% thời gian để hàng hóa lưu thông. Vì vậy, nếu chỉ tập trung cải cách thủ tục hải quan sẽ không thể thúc đẩy mạnh mẽ hiệu quả tạo thuận lợi thương mại.    

Quá trình nâng cao khả năng thực thi các cam kết của Việt Nam trong TFA đòi hỏi một cơ chế điều phối hiệu quả cũng như sự cam kết vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý chuyên ngành và tiếng nói của doanh nghiệp.    

TFA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017, việc thực thi đầy đủ các cam kết của các thành viên được kỳ vọng sẽ cắt giảm khoảng 14,3% chi phí thương mại và gia tăng thương mại toàn cầu lên khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm./.   

Có thể bạn quan tâm