Tìm giải pháp hiệu quả phòng chống sâu keo mùa Thu

Tìm giải pháp hiệu quả phòng chống sâu keo mùa Thu
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 12/7, cả nước có gần 15.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa Thu; trong đó, có gần 1.300 ha bị nhiễm nặng (tương đương trên 8 con sâu/m2). Hai khu vực có diện tích nhiễm lớn nhất là Bắc bộ và Nam Trung bộ - Tây Nguyên, chiếm trên 94% tổng diện tích.

Tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, có 6.985 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, phân bố ở 12 tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Riêng tại Gia Lai, đến nay đã có gần 5.000 ha ngô nhiễm sâu.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, qua theo dõi, đánh giá mức độ gây hại của sâu keo mùa Thu ở nhiều tỉnh, thành từ tháng 3/2019 đến nay cho thấy, mặc dù giai đoạn ngô non 5 – 9 lá bị gây hại nhưng vẫn trổ cờ, phun râu bình thường do giai đoạn này cây ngô có khả năng phát triển thân, lá bù lại những phiến lá bị gây hại, khi cây ngô hình thành bắp vẫn bị sâu hại nhưng ít ảnh hưởng đến năng suất hạt.

Theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật, đầu tháng 7/2019, ngô Hè Thu sẽ tiếp tục được xuống giống nên trong thời gian tới, diện tích nhiễm sâu keo mùa Thu sẽ tăng. Hiện nay, ngô Hè Thu chủ yếu đang ở giai đoạn ngô non (mới trồng – 9 lá – phát triển bắp), là giai đoạn mẫn cảm nhất với sâu keo mùa Thu. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, ngô Đông sớm xuống giống có khả năng sẽ tiếp tục bị sâu keo mùa thu gây hại.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phân tích, có nhiều khó khăn trong phòng chống sâu keo mùa Thu, như việc sâu non có nhiều độ tuổi khác nhau, từ tuổi 1 – 6, song các loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ có hiệu quả cao đối với sâu non ở tuổi 1 – 2. Bên cạnh đó, việc sâu trưởng thành đẻ trứng rải trong khoảng 2 tuần khiến trứng nở rải rác nên hiệu quả của thuốc bị giảm. Trong khi đó, nếu phun trừ sâu non đúng độ tuổi 1 – 2 thì vẫn phải phun từ 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất ngô.

Ngoài ra, ở một số địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn hoặc xa nguồn nước rất khó khăn khi nông dân phun thuốc trừ sâu bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thời vụ trồng ngô kéo dài, liên tục xuống giống, ở các vùng đồng bằng ngô sinh trưởng quanh năm tạo điều kiện cho nguồn sâu keo mùa Thu lây lan từ vụ trước sang vụ sau.

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay tại Gia Lai trong xử lý sâu keo mùa Thu là việc nhận thức, hiểu biết của người dân vẫn còn hạn chế về tác hại, mức độ nguy hiểm và cách phòng trừ loại sâu hại này. Bên cạnh đó, chi phí khá cao khiến việc phun các loại thuốc trừ sâu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn không được thực hiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng sâu không bị tiêu diệt triệt để và tiếp tục lây lan. Cộng thêm điều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu keo phát triển, nên chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, từ 10/7 đến nay, diện tích ngô nhiễm sâu keo mùa Thu tại Gia Lai đã tăng lên nhanh chóng, từ 4.500 ha lên xấp xỉ 5.000 ha.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, sâu keo mùa Thu được đánh giá là loại sâu rất nguy hiểm, có khả năng lây lan và tàn phá đối với cây ngô nhanh. Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần tập trung tuyên truyền, đặc biệt là Chỉ thị 4962/CT-BNN-BVTV của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường phòng, chống sâu keo mùa Thu hại ngô để các cấp chính quyền và người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của loài sâu hại này. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của các phương pháp phòng trừ đúng kỹ thuật cho nông dân, khi đó tác dụng phòng trừ sẽ đạt từ 70 – 80%.

“Đối với các đơn vị của Bộ, sẽ tiếp tục hoàn thiện các thí nghiệm, thực nghiệm, đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, hoàn thiện các loại thuốc bảo vệ thực vật để khuyến cáo người dân sử dụng. Hiện nay, thí nghiệm bước đầu thì bả sinh học đã cho hiệu quả. Tôi đề nghị chúng ta phải hoàn thiện và nghiên cứu một quy trình sử dụng cũng như mật độ đặt bả trên các ruộng ngô, nhanh chóng khuyến cáo giải pháp này cho người dân, vì đây là giải pháp vừa hiệu quả, vừa an toàn cho môi trường”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phân tích.

Riêng đối với các diện tích nhiễm nặng, không có khả năng phục hồi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, ngành nông nghiệp của các địa phương cần tổ chức phá bỏ, làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, sẽ triệt tiêu được một lượng lớn trứng và sâu non. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn tàn dư trên đồng ruộng, chính vì vậy cần có phương án xử lý đất. Về việc này, Thứ trưởng yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phối hợp cùng các viện nghiên cứu và các địa phương cần sớm tìm ra phương án, tránh trường hợp sâu còn tồn tại dưới dạng trứng và lây lan sang các vụ sau.

Về lâu dài, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, yếu tố giống có ảnh hưởng đến việc xuất hiện và lây lan nhanh sâu keo mùa Thu, vì có nhiều giống bị loài sâu này phá hủy như giống nhóm BT, song có những giống ngô lại không bị ảnh hưởng hoặc nhiễm không đáng kể nên cần khuyến cáo cho người dân sử dụng giống cho các vụ sau. Ngoài ra, các địa phương cần khuyến cáo người dân đồng loạt xuống giống để dễ dàng xử lý khi có dịch bệnh; xử lý đất trước khi xuống giống vụ mới; phối hợp cùng các viện nghiên cứu tổ chức tập huấn cho nông dân; nghiên cứu thêm ngoài cây ngô, sâu keo còn gây hại trên các loại cây trồng nào khác để sớm có phương án xử lý, phòng trừ.

“Cục Bảo vệ thực vật cần sớm thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ thành lập Tổ công tác như đã từng làm với bệnh khảm lá sắn, bệnh tiêu chết nhanh chết chậm để sớm đưa ra phương án xử lý sâu keo mùa Thu. Riêng về hỗ trợ, Bộ cũng đã nhận được kiến nghị của một số địa phương và sẽ cân nhắc, đề xuất để có chính sách tốt hơn trong phòng trừ sâu keo mùa Thu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Dư Toán
TTXVN

Có thể bạn quan tâm