Tìm cách cứu cây trồng

Tìm cách cứu cây trồng
Bỏ lúa cứu cà phê

Đến giữa tháng 4, hồ Đắk Peur ở xã Thuận An, nước đã xuống dưới mực nước chết. Tuy vậy, theo tính toán của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông, số nước này vẫn đủ cho một đợt tưới của gần 200 trăm ha cà phê.

Nếu tưới tiết kiệm, hợp lý sẽ bảo đảm chống hạn cho số diện tích cà phê trên đến hết tháng 4… Thế nhưng, khi chúng tôi đến hồ Đắk Peur, lượng nước ít ỏi này đang được dùng để tưới cho 15 ha lúa dưới chân đập. Trong khi đó, số diện tích cà phê khu vực này đang chết khát. 
Nguồn nước để tưới diện tích lúa này được chuyển sang tưới 200 ha cà phê.
Nguồn nước để tưới diện tích lúa này được chuyển sang tưới 200 ha cà phê.
Đứng trên đập hồ Đắk Peur, ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Chúng tôi khuyến khích người dân không tưới lúa ở một số diện tích nữa. Phần diện tích lúa này sẽ được tỉnh hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha. Như vậy, lượng nước còn lại trong hồ sẽ cứu được nhiều diện tích cà phê hơn”.

Liên quan đến câu chuyện bỏ lúa cứu cà phê, theo ông Lê Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Thuận An, địa phương hoàn toàn đồng ý phương án này. “Thực tế, những cây trồng ngắn ngày bị thiệt hại thì chúng ta có thể khắc phục được trong năm sau. Còn với cây trồng dài ngày, nếu năm nay mà chết thì phải mất rất nhiều công sức và thời gian bà con nông dân mới khắc phục được”, ông Đông giải thích.

Đứng ở góc độ của đơn vị quản lý, điều tiết nguồn nước, ông Hoàng Trung Thơ, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông khẳng định, việc bỏ 15 ha lúa để cứu 200 ha cà phê là hợp lý. Công ty đề nghị địa phương phối hợp với huyện, ngành chức năng lập phương án đền bù cho dân có diện tích lúa bị thiệt hại, theo quy định. Về điều tiết nguồn nước tưới từ lúa sang cà phê, Công ty sẽ thực hiện ngay.

Và chia sẻ nguồn lợi dùng nước

Ngay từ sáng sớm, ở lòng hồ Thuận Bắc 2, nhiều người dân thôn Đức Hòa, xã Thuận An đã tranh thủ ra vét lòng hồ tìm nước. Hồ trơ đáy buộc anh Nguyễn Đắc Truyền phải cố nối thêm đường ống xuống hố mới đào dưới lòng hồ để vét nước tưới cho 2,5 ha cà phê của gia đình.

Cạnh anh Truyền, chiếc máy múc của anh Trần Trọng Hữu đứng im. Theo anh Hữu, giờ nếu có ai thuê đào lòng hồ nữa cũng chẳng còn nước để mà vét… Hồ Thuận Bắc 2 hết nước sẽ kéo theo 200 ha cà phê khu vực này có nguy cơ chết khô.

Khác cảnh trơ đáy ở hồ Thuận Bắc 2, đi thêm gần 2 km nữa là hồ Đội 2 vẫn còn nhiều nước. Thế nhưng, do hồ Đội 2 chỉ phục vụ tưới cho cà phê của Công ty cà phê Thuận An, nên nhiều hộ dân trong xã Thuận An chỉ còn biết đứng nhìn cà phê của mình héo từng ngày.

Ông Lê Xuân Đông cho biết: “Địa phương nhận thấy, diện tích cà phê (khu vực hồ Đội 2) của Công ty cà phê Thuận An đã được tưới nhiều đợt. Chính vì vậy, Công ty san sẻ nước tưới cho người dân địa phương lúc này là hợp lý. Xã đã làm tờ trình đề xuất cụ thể với Công ty rồi.”

Dù xã Thuận An đã có ý kiến, nhưng tại buổi làm việc giữa Công ty cà phê Thuận An, cùng ngành Nông nghiệp, đơn vị quản lý, điều tiết nguồn nước thì ông Phan Thế Thái, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty cà phê Thuận An cho rằng, nếu cấp trên mà có yêu cầu tiếp nước cho hồ Thuận Bắc 2 thì nên kiểm tra thực tế. Đó là chưa kể nguồn điện không bảo đảm...

Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Thuận, hồ Đội 2 ông đã đi kiểm tra rồi. Nước ở đây mới rút được 80 phân. Công ty cà phê Thuận An nên triển khai bơm cho người dân, bao giờ hết nước thì mới dừng... Đối với trường hợp nguồn điện thiếu, đơn vị sẽ làm văn bản trình Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu tỉnh chỉ đạo ngành điện cung cấp điện. Ngay sau đó, các bên đã thống nhất phương án cụ thể để sử dụng nước hồ Đội 2 chống hạn cho 200 ha cà phê của xã Thuận An.

Có thể nói, bằng cách làm linh hoạt này, nhiều diện tích cà phê ở Đắk Mil đã bớt phải chịu cảnh khô hạn. Cách chống hạn này đáng để các địa phương, đơn vị khác tham khảo trong quá trình khắc phục hậu quả thiên tai.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm