“Tiếp sức” cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

“Tiếp sức” cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Những ngày này, những hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện nghèo Tu Mơ Rông đang tích cực thu hoạch diện tích cây bời lời. Đây cũng là thời điểm thích hợp để trồng và chăm sóc diện tích cây bời lời thích hợp nhất. Hộ thì trồng mới, hộ thì cắt tỉa, làm cỏ, có hộ trồng xen canh các loại cây như dứa, mì nhằm tăng thêm thu nhập. Với những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa ở huyện nghèo 30a Tu Mơ Rông thì thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng quả thực rất lớn. 

Trên diện tích gần 1 ha đất đồi, già A Ban, làng Đăk Văn 2, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông đã trồng cây bời lời từ nguồn giống do UBND xã cấp theo chương trình giảm nghèo. Sau hai năm trồng, cây bời lời của gia đình ông phát triển xanh tốt. Cũng trên diện tích đất hiện có, ngoài cây bời lời già A Ban còn trồng xen canh thêm cây bo bo, mì, nhờ vậy đời sống của gia đình già A Ban nay đã ổn định hơn trước. Hiện, diện tích cây bời lời chỉ mới cho thu hoạch tỉa nhưng mỗi lần cắt cũng cho gia đình ông thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. 

Bà con dân tộc nhận cây giống bời lời về để trồng. Ảnh: Văn Thông – TTXVN
Bà con dân tộc nhận cây giống bời lời về để trồng. Ảnh: Văn Thông – TTXVN


Già A Ban cho biết: "Cây bời lời rất dễ trồng, chăm sóc. Hầu như từ khi trồng xuống đến lúc cắt tỉa, thu hoạch mình chẳng cần phải bón phân hay phun thuốc, chỉ đi cắt cỏ tránh cháy. So với các cây trồng như cà phê, điều thì vùng này cây bời lời rất phù hợp, dễ trồng, dễ chăm sóc và không phải bỏ vốn vì cây giống Nhà nước cho. Vừa rồi gia đình mình mới cắt tỉa những cây lớn, nhánh nhưng cũng bán được hơn 10 triệu đồng". 

Cũng giống như gia đình A Ban, gia đình anh A Thương (làng Ba Tư 2, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông) trồng xen canh cây bời lời trên diện tích đã trồng cây cà phê và xung quanh vườn. Từ một gia đình nằm trong diện hộ nghèo, nay gia đình anh đã thoát nghèo từ cây bời lời. “Vùng này nắng nóng nên mình trồng cây bời lời để tạo tán cho cây cà phê. Vườn bời lời của mình trồng cũng được 4 - 5 năm nay. Cây lớn có đường kính khoảng 20 - 30 cm. Mùa vừa rồi mình chỉ cắt tỉa nhánh và các cây già, chiếm diện tích lớn của vườn cà phê cũng bán được được hơn 12 triệu đồng. Bây giờ một năm với diện tích cà phê, bời lời, bo bo và sắn gia đình mình đã có thu nhập ổn định. Trước đây mình thuộc diện gia đình hộ nghèo, nhưng từ khi có sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước thông qua cấp giống cây bời lời, cà phê, đời sống gia đình mình đã đi lên nhiều, con cái được đến trường hết.”- anh A Thương cho biết. 

Với đặc tính dễ trồng, dễ thích nghi và chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng giá cả ổn định (30.000 - 35.000 đồng/kg vỏ khô), đặc biệt cây bời lời có thể sử dụng được từ lá, cành đến vỏ nên loại cây này được đánh giá là cây trồng thoát nghèo cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, mà nhiều hộ gia đình đã thoát được cảnh nghèo đói, có của ăn, của để trong nhà. Với những huyện nghèo, vùng sâu vùng xa, những chính sách hỗ trợ đang ngày càng góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của nhiều
địa phương. 

Ông Nguyễn Đình Luyện, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong năm 2014 công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các mô hình như nuôi heo địa phương, nuôi bò và mô hình trồng cây cà phê, bời lời và đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung nuôi gà, heo các giống mới, các cây cà phê xứ lạnh, cây bông đót, cây dược liệu hồng đẳng sâm. Bên cạnh đó các ban, ngành đoàn thể vận động nhân dân phải tự lực, tự vươn lên xóa đói giảm nghèo bằng chính nội lực, bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 32% so với 70% như trước đây (hiện tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh Kon Tum còn 15,88%). 
Có thể thấy, việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, lựa chọn chủng loại cây trồng phù hợp với trình độ, nguồn vốn của từng đối tượng chính là yếu tố giúp người nghèo thoát nghèo. Với những người đồng bào dân tộc thiếu sổ, đặc biệt là người đồng bào ở vùng sâu vùng xa, điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn thì những giống cây như bời lời đã và đang tạo dựng được một cuộc sống ổn định cho người dân./. 

Có thể bạn quan tâm