Tiếp cận tích hợp phục hồi hệ sinh thái sông, hồ tại Việt Nam

Lưu vực sông Mê Kông Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Lưu vực sông Mê Kông Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Năm 2020, chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã lựa chọn Chủ đề của Ngày Môi trường Thế giới là "Phục hồi Hệ sinh thái"; đây cũng là năm Liên hợp quốc phát động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái với hy vọng ngăn chặn, phòng ngừa và đảo ngược sự suy thoái của hệ sinh thái trên toàn cầu. Theo "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái", một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất chính là hệ sinh thái sông và hồ.

Vai trò các hệ sinh thái sông, hồ

Đánh giá tầm quan trọng của hệ sinh thái sông Mê Công, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, Mê Kông là con sông dài thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 10 về tổng lượng dòng chảy (hằng năm đạt khoảng 475 tỉ m3, lưu lượng trung bình khoảng 15.000 mét khối/s).

Ngoài nguồn tài nguyên nước, lưu vực sông Mê Kông có tính đa dạng sinh học rất cao, chỉ xếp sau lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ. Dòng chảy sông Mê Kông nuôi dưỡng nhiều vùng đất ngập nước đa dạng, đa chức năng trong lưu vực, duy trì các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái đặc trưng.

Đất ngập nước có vai trò quan trọng là nguồn sống của người dân địa phương, tạo môi trường thuận lợi cho nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa và phát triển du lịch. Ngoài ra, các vùng đất ngập nước tự nhiên còn mang lại các lợi ích khác như giảm thiểu lũ, trữ nước và làm sạch môi trường. Những cánh rừng rộng lớn trong lưu vực sông Mê Kông là môi trường sinh sống cho hàng ngàn loài động, thực vật. Các hệ sinh thái rừng ở lưu vực này rất phong phú với các khu rừng xanh, rừng trên núi, rừng cây rụng lá, cây bụi, cây lấy gỗ và rừng đước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, nguồn nước sông Mê Kông cung cấp cho khoảng 18,6 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp hơn 50% nguồn lương thực cho cả nước, 65% sản lượng cá, 70% trái cây trong nước và xuất khẩu. Người dân thường sinh sống tập trung dọc bờ sông, nhưng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long đang bị kìm hãm bởi nguồn nước. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp với các vấn đề nguồn nước xuyên quốc gia như các đập thủy điện, phát triển công nghiệp, phá rừng và chuyển dòng nước đã ảnh hưởng đến đất, sản xuất nông nghiệp, làm giảm sản lượng, đe dọa an ninh lương thực và tăng nghèo, bên cạnh các yếu tố suy thoái môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Phát triển xanh (Green ID) cho rằng, hiện những hoạt động của con người đang phá hủy các vùng sinh thái phong phú như: Rừng nhiệt đới, vùng đất ngập nước, các rạn san hô, các cánh đồng cỏ có nguy cơ biến hành tinh của chúng ta thành một nơi cằn cỗi. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chính con người. Khi hệ sinh thái bị suy thoái sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, làm cho con người phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo, suy giảm nguồn gen và đặc biệt là biến đổi khí hậu, dẫn đến hàng loạt thảm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống. Tình hình hiện nay cho thấy việc khôi phục bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn tài nguyên rừng, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền để bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự diệt vong của các loài quý hiếm là một việc làm cấp bách.

Tiếp cận tích hợp phục hồi hệ sinh thái sông, hồ tại Việt Nam ảnh 1Lưu vực sông Mê Kông Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cần tiếp cận bao trùm và tích hợp

Để phục hồi hệ sinh thái cho Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới các địa phương cần đánh giá hiện trạng các dòng sông, từ đó nhận diện được nguy cơ, thách thức nhằm ngăn chặn khai thác quá mức, xả thải ô nhiễm... Theo đó, việc phục hồi có thể xảy ra theo nhiều cách như thông qua việc tích cực trồng cây hoặc cần đất canh tác và cơ sở hạ tầng trên vùng đất từng là rừng và các hệ sinh thái... Đồng thời, ngành chức năng cần tiến hành phục hồi hệ sinh thái ở những khu vực suy thoái; tăng cường công tác quan trắc tài nguyên, môi trường, đặc biệt đối với nguồn nước, chất lượng môi trường được tiến hành thường xuyên hằng năm nhằm theo dõi sự thay đổi tình trạng môi trường, tài nguyên đa dang sinh học và có giải pháp quản lý thích ứng.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, quản lý tốt các dòng sông, trước tiên là thành lập các cơ quan quản lý tài nguyên nước trên các lưu vực sông là biện pháp rất căn cơ về thể chế. Ngoài ra, phải thực thi tích cực, triệt để đối với vấn đề ô nhiễm nước ở các khu công nghiệp, khu làng nghề. Vấn đề xả thải không được tác động đến nguồn nước; phải có biện pháp xử phạt mạnh tay, quyết liệt đối với các trường hợp cố ý, tái phạm nhiều lần. Việc tái sử dụng nước cũng rất lợi cho cơ sở sản xuất, giảm lượng nước thải cho các dòng sông.

Cùng với đó, Việt Nam cần có cách tiếp cận bao trùm, tích hợp để phục hồi hệ sinh thái như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ô nhiễm nguồn nước; huy động nguồn lực, nguồn tài chính của các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp xã hội; đặc biệt là giải pháp về mặt công nghệ để phục hồi hệ sinh thái. Ngoài ra, Việt Nam nên thành lập nhóm làm việc gồm: Các chuyên gia về môi trường, nhà quy hoạch, chính quyền địa phương đồng thuận, quyết tâm khôi phục làm sạch dòng sông; thực hiện, giám sát các giải pháp công trình và phi công trình, đưa ra các cách tiếp cận bao trùm, giải pháp dựa vào cộng đồng, dựa vào tự nhiên.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm