Tiếng khèn trên cao nguyên đá

Tiếng khèn trên cao nguyên đá
Sức sống mãnh liệt của tiếng khèn trên núi đá

Vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá cùng tiếng khèn nức lòng, trầm bổng, nỉ non, sâu lắng như tình người nơi đây đã làm rung động biết bao du khách. Để rồi ngày kia, một tâm hồn thi sĩ đắm mình với thiên nhiên nơi đây, cảm mến khi nghe tiếng khèn say đắm lòng người đã thốt lên những vần thơ đồng điệu:“Đá nối đá...muôn trùng vời vợi/ Mây nối mây… giăng giăng kín trời/ Khèn ai ơi, bài ca cao nguyên đợi/ Ai đã qua sẽ hứa hơn một lần tới…”
 
Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ.
Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ.
Tiếng khèn và núi đá vôi đồ sộ vừa là biểu tượng của nơi đây vừa gắn bó, đồng điệu, hòa quyện với nhau bền chặt như là tạo hóa sinh ra không thể tách rời.Từ bao đời nay, người Mông đã quen sống trên những ngọn núi đá cao.Bước chân của lớp lớp thế hệ người Mông chưa bao giờ biết mỏi dù cả đời luôn phải đi trên những đỉnh núi gập ghềnh. Họ đã sống với tâm hồn kiêu hãnh, phóng khoáng như những áng mây lang thang trên bầu trời. Chỉ cần có cây khèn trên vai thì cuộc sống của người Mông chưa bao giờ là những nốt trầm lặng lẽ. Bước chân của người Mông cùng tiếng khèn họ mang theo đã vang vọng khắp núi đá, thổn thức cùng mây trời để cho đá nhớ, mây thương quện tiếng lòng da diết. Tiếng khèn của người Mông cũng từ ấy mà có sức sống mãnh liệt đến lạ thường như sức sống của cao nguyên đá Đồng Văn.

Người Mông không thể thiếu tiếng khèn

Trên cao nguyên đá Đồng Văn, trong hầu hết các nghi lễ truyền thống, các ngày hội của bản làng, trong những ngày vui hoặc thậm chí là những nghi thức của gia đình như tang lễ, ma chay… đều không thể thiếu sự góp mặt của tiếng khèn.
Chúng tôi tới xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào những ngày đầu xuân ấm áp. Gặp anh cán bộ văn hóa xã Tải Đình Đường, anh vui vẻ, thân mật chia sẻ cho chúng tôi biết về cây khèn của dân tộc mình: Lên 7 – 8 tuổi, con trai Mông đã bắt đầu học thổi khèn. Người đàn ông nào thổi khèn giỏi thì người đàn ông ấy được người dân cho rằng mạnh mẽ và tài hoa. Giờ đã là cán bộ xã, thỉnh thoảng nhìn lũ trẻ háo hức xem múa khèn và làm quen với cây khèn tôi lại nhớ mình ngày xưa. Mặc dù công việc bận rộn nhưng lúc rảnh rỗi tôi vẫn thường dạy trẻ nhỏ trong bản học khèn.
Khèn gắn bó khăng khít trong cuộc sống của người dân tộc Mông.
Khèn gắn bó khăng khít trong cuộc sống của người dân tộc Mông.
Cây khèn theo chân người Mông lên nương, ra ruộng và những bài ca lao động đầy hóm hỉnh, vui tươi đã được tấu lên trên nền những núi đá gập nghềnh. Dù trong trẻo hay trầm khàn nhưng những âm hưởng ấy luôn truyền đi một sức sống căng tràn và mãnh liệt từ những trái tim và tâm hồn không bao giờ biết mỏi.
Tình yêu của người Mông cũng bắt nguồn từ tiếng khèn giản dị nhưng vô cùng lãng mạn, tạo nên những đêm tình say đắm nhưng không kém phần mãnh liệt. Đó là nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất rẻo cao với những đêm huyền diệu của tiếng khèn, đêm thổn thức của tiếng lòng, đêm của những khát khao đậm vị ngọt ngào của tình yêu; chất chứa trong đó là những cảm xúc thiết tha, bồi hồi mà rạo rực của những chàng trai cô gái người Mông trong những vũ điệu xoay tròn quấn quýt bên nhau. Đắm chìm trong điệu múa khèn say sưa lại khiến ta nhớ đến câu thơ trong bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của Quang Dũng: “Khèn lên man điệu nàng e ấp…” Những giai điệu khèn tình tứ, nhịp nhàng mà sâu sắc: “Đợi anh qua mùa đào, đợi anh qua mùa lanh”… sẽ mãi mãi còn ngân vang tận sâu thẳm cõi lòng của biết bao cô gái Mông.
Trong hầu hết các nghi lễ của người Mông đều không thể thiếu tiếng Khèn.
Trong hầu hết các nghi lễ của người Mông đều không thể thiếu tiếng Khèn.
Những âm thanh đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn của tiếng khèn luôn chất chứa vẻ đẹp của tự nhiên bao la, hùng vĩtrên cao nguyên đá Đồng Văn; nét tươi sáng mà giản dị của tâm hồn người Mông. Để tiếng khèn ấy sống mãi với thiên nhiên và con người thuần hậu nơi đây, để bài ca trên cao nguyên đá Đồng Văn còn hát tiếp, những thế hệ người Mông đã truyền lửa cho nhau, gìn giữ và không ngừng vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật thổi và múa khèn.
Nhờ những nỗ lực ấy mà tiếng khèn Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn đã đóng góp một phần không nhỏ để khèn Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, ngày càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương, tô thắm thêm nét đẹp trên cao nguyên đá Đồng Văn.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm