Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII:

Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh góp phần thay đổi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp

Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh góp phần thay đổi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp
Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh kiểm tra khả năng sinh trưởng và phát triển của cây khi sử dụng bầu ươm cơ giới. Ảnh: khoahocphattrien.vn
Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh kiểm tra khả năng sinh trưởng và phát triển của cây khi sử dụng bầu ươm cơ giới. Ảnh: khoahocphattrien.vn

Đề tài "Nghiên cứu sản xuất bầu ươm cây giống ngô, bí xanh và cà chua" do Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh làm chủ nhiệm được triển khai cùng cộng sự từ tháng 9/2015 - 11/2017. Sau 24 tháng, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm 36.000 bầu ươm cơ giới cho cây giống ngô, bí xanh, cà chua trên hệ thống máy đóng bầu với công suất 4.000 bầu/giờ và đề xuất quy trình sản xuất gồm các bước xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp bằng chế phẩm sumitri, phối trộn bầu ươm cơ giới cây giống theo công thức, xác định lực ép của máy đóng bầu và độ ẩm của giá thể. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn tiến hành đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của cây trồng khi sử dụng bầu ươm cơ giới, theo dõi động thái tăng trưởng chiều cao và ra lá cho thấy, tốc độ tăng trưởng khi sử dụng bầu ươm cơ giới tốt hơn so với cây giống trong khay nhựa và bầu túi nylon.

Nhờ áp dụng cơ giới trong sản xuất nên chi phí nhân công sản xuất bầu ươm cơ giới giảm 92.000 đồng/1.000 bầu so với khi sản xuất bằng khay nhựa, giảm 132.000 đồng/1.000 bầu so với sản xuất cây giống bằng bầu nylon.

Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng nghiệm thu tháng 3/2018. Hội đồng nghiệm thu đánh giá, lần đầu tiên Hải Phòng nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất bầu ươm cây giống cho cây bí xanh, cà chua, ngô nói riêng và cây rau màu nói chung theo hướng công nghiệp chất lượng cao, thích ứng với điều kiện trên mặt ruộng có nước, khi trồng cây giống không cần dùng đất bột khô rắc bổ sung và có bầu ươm cơ giới khả năng giữ ẩm cho cây giống khi gặp khô hạn.

Đề tài tích hợp các giải pháp kỹ thuật tạo bầu ươm các loại bầu khác hiện nay có mặt trên thị trường Hải Phòng không có như không cần vỏ bầu, không có keo dính. Bầu có thể được đóng trước, phơi khô, chịu lực nén, không bị vỡ khi vận chuyển, có thể bảo quản lâu dài trong điều kiện đóng gói cách ẩm. Bầu có đủ dinh dưỡng cho cây giống sinh trưởng phát triển tốt đến 20 ngày và không gây ô nhiễm môi trường.

Đề tài khi triển khai đã nâng cao năng suất lao động, so sánh năng suất lao động của hai người công nhân, vận hành máy đóng bầu và gieo hạt trong 1 giờ sản xuất được 5.000 bầu, cao gấp 7,5 lần so với gieo khay (667 cây/2người/1giờ), cao gấp 12,5 lần so với gieo bầu nylon (400 cây/người/2người/1giờ). Giảm giá thành cây giống, giá 1.000 cây giống gieo cơ giới giảm được 50.000 – 60.000 đồng so với gieo khay và giảm 125.000 – 130.000 đồng so với gieo bầu nylon.

Một sáng kiến khác của Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh là cải tiến thiết bị, kỹ thuật trong san phẳng mặt ruộng ứng dụng công nghệ laser nhằm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại thành phố Hải Phòng triển khai từ tháng 9/2015-10/2016.

Ở phía Bắc, Hải Phòng là đơn vi đầu tiên tiếp nhận công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng laser. Song ở điều kiện khí hậu tại Hải Phòng nói riêng, các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung việc san khô chỉ có thể thực hiện được vào tháng 11-12 là chủ yếu. Ở Việt Nam chưa có gàu san ướt, đơn vị chuyển giao công nghệ mới chỉ chuyển giao gàu san khô, vì vậy, Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh và cộng sự đã nghiên cứu, thiết kế thêm gàu san ướt để có thể san đất tất cả các tháng của năm.

Qua hoạch toán, hiệu quả kinh tế từ san phẳng mặt ruộng cho thấy, gàu san ướt đã giảm 12-20% chi phí san gạt, tiết kiệm 361.000-584.000 đồng/ha so với sản xuất đại trà, giảm 66% chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 831.000đ-834.000 đồng/ha, giảm 50% chi phí phun thuốc trừ cỏ, tiết kiệm 417.000 đồng/ha; giảm 50% chi phí phun phân bón lá, tiết kiệm 420.000 đồng/ha; giảm 11% lượng phân bón, tiết kiệm 1.317.000 đồng/ha.

Qua kết quả san khô và san ướt ứng dụng kỹ thuật laser san phẳng so với sản xuất đại trà sử dụng phương pháp san thủ công cho thấy, năng suất lúa cao hơn sản xuất đại trà 1,7-2,5 tạ/ha; lãi thuần tăng thêm 4,6-4,9 triệu đồng/ha, lãi thuần 30 ha mô hình tăng thêm 31,1-46,5 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, mô hình của dự án là điểm trình diễn, tham quan học tập về công tác dồn điền đổi thửa, san phẳng đồng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser. Ứng dụng công nghệ laser san phẳng đồng ruộng giảm chi phí đầu vào (giống, phân bón, san gạt), tăng năng suất mang lợi ích cho người sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. San phẳng đồng ruộng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa đồng bộ giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo, nông dân tăng thu nhập, giảm bớt tình trạng bỏ hoang hóa ruộng đất.

Với những đóng góp của mình, Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh vinh dự là một trong những nhà khoa học tiêu biểu tham dự Đại hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Tiến sĩ Đoàn Hữu Thanh đã nhận được nhiều phần thưởng, bằng khen, tiêu biểu như: Bằng lao động Sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hải Phòng lần thứ Nhất.
Minh Thu

Có thể bạn quan tâm